Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực

0
0

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hàng ngày.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” vừa diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ đây, chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hoá thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng. 

Trong thời gian qua, NHNN đã quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh phát triển TTKDTM, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong các mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021.

 

Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, ngoài quy định về TTKDTM, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 thông tư về thanh toán và tín dụng. Trong đó, có thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường). Cùng với đó, từ ngày 1/9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động phát hành và thanh toán thẻ đã được NHNN ban hành đầy đủ và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện nhằm khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, TTKDTM.

Quy định pháp luật về thúc đẩy TTKDTM, phát triển thẻ khá đầy đủ. Hoạt động thẻ đã và đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về TTKDTM (đã sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (đã sửa đổi, bổ sung),...; và các quy định như: Đề án phát triển TTKDTM qua các giai đoạn cụ thể; Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục tổ chức triển khai tích cực Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho hay, thị trường thẻ Việt Nam những năm qua được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM. Tính đến tháng 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế. Trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKyc đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai).

Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.

Các chỉ số TTKDTM tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 51,14% về số lượng; Giao dịch qua kênh Internet tăng 66,18% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,10% về số lượng và 8,77% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị; qua POS tăng 25,24% về số lượng và 23,97% về giá trị.

Đối với hoạt động thẻ, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), cho biết thẻ là một công cụ giúp giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt, để người dân không phải tìm đến tín dụng đen. Truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng thẻ tín dụng an toàn, hiệu quả, tận dụng được thời gian miễn lãi (từ 45- 55 ngày tùy ngân hàng), giúp người dân hiểu về các tiện ích thẻ nói riêng và các phương thức TTKDTM nói chung, trong đó có thẻ tín dụng; hướng dẫn kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản…

Ngày 18/11/2023 tới, dịch vụ Mobile Money sẽ hết thời gian thí điểm. Với định hướng phát triển tiếp theo của dịch vụ, ngày 19/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 1865/BTTTT-CVT gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 tháng và Đề cương báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money từ sau ngày 18/11/2023 đến hết 31/12/2025. 
Lý do được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra để tiếp tục thí điểm dịch vụ đó là nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, phát triển dịch vụ, cung cấp tới khách hàng, với mục tiêu đem lại tiện ích cho người dân, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; xem xét, sửa đổi một số quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg để phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển dịch vụ. 
Trong thời gian thí điểm dịch vụ, sẽ tập trung mở rộng, phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán bằng Mobile Money trên khắp cả nước, ưu tiên các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần bổ sung vào các hạ tầng thanh toán có sẵn hiện nay, mang lại tiện ích thanh toán cho người dân.

Là một trong số doanh nghiệp sớm được cấp phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, trong thời gian qua, hệ sinh thái VNPT Money của Tập đoàn VNPT đã tham gia vào nhiều lĩnh vực trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Mới đây nhất, thí sinh cả nước có thể thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến trên Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023 nhanh nhất qua VietQR với VNPT Money. 

Đây là hình thức thanh toán được đánh giá là mang đến sự thuận tiện cho thí sinh và phụ huynh ở mọi lứa tuổi, vùng miền trên cả nước trong số các kênh thanh toán được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, VNPT Money được ứng dụng những nền tảng công nghệ cao, đảm bảo các yếu tố an toàn và bảo mật thông tin, đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật quốc tế PCI - DSS Level 1 cấp độ cao nhất, do vậy thí sinh và phụ huynh hoàn toàn yên tâm trong quá trình thanh toán.

Bên cạnh đó, nhằm mang đến nhiều tiện ích cho người dùng, VNPT Money cũng cung cấp tính năng "Nộp Phí Xét Tuyển Đại Học" ngay trên ứng dụng. Theo đó, thí sinh hay phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn cách thanh toán phù hợp để thực hiện nộp phí xét tuyển.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Xuất nhập khẩu Việt Nam đang tăng cao

(VnMedia) - Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng/2024 đạt 303,94 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 42 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Người phụ nữ Hà Nội bị lừa 24 tỷ đồng khi đầu tư “sàn vàng online”

(VnMedia) - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội mới đây đã tiếp nhận đơn của chị T về việc bị chiếm đoạt 24 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vàng online.

Các quy tắc AI mới của EU châm ngòi cho cuộc chiến về tính minh bạch dữ liệu

(VnMedia) - Một bộ luật mới quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ở Liên minh châu Âu sẽ buộc các công ty phải minh bạch hơn về dữ liệu được sử dụng để đào tạo các hệ thống của họ, buộc họ phải công khai một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của ngành.

Xem trọn vẹn vòng Chung kết Euro 2024 trên dịch vụ MyTV đa nền tảng của VNPT

(VnMedia) - Kỳ UEFA EURO 2024 sắp khởi tranh tại Đức với những đội tuyển bóng đá mạnh nhất lục địa già. Người hâm mộ tại Việt Nam có thể xem trọn vẹn sự kiện bóng đá sôi động nhất mùa hè này trên hệ thống dịch vụ MyTV của tập đoàn VNPT.

Giá vàng thế giới giảm sâu, trong nước đứng im

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (14/6), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã bất ngờ giảm sâu gần 19 USD/ounce. Trong nước, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu và vàng miếng SJC vẫn giữ nguyên mức giá được niêm yết trước đó.