Kê khai tài sản: Chống tham nhũng không thể trông chờ vào sự trung thực, tự giác?!

14:21, 08/12/2015
|

(VnMedia) - “Chúng ta đang hoạch định chính sách trong một nền công vụ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ công chức mà thiếu đi sự kiểm soát có tính chất cưỡng chế của nhà nước” - Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói trong Hội thảo về phòng chống tham nhũng.

Hội thảo “Tăng cường hiệu quả thi hành luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) - kinh nghiệm một số nước và thực tiễn Việt Nam” do Ban Nội chính TƯ phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức sáng nay (8/12) tại Hà Nội. 

Chỉ kiểm soát tài sản của quan chức là vô nghĩa

Phát biểu tại hội thảo, TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, điều quan trọng cần phải cân nhắc là giữa số lượng kê khai tài sản và khả năng có thể kiểm soát được tính trung thực.

“Với số lượng trên dưới một triệu bản kê khai tài sản thì một loạt các vấn đề có liên quan có thể nảy sinh khi triển khai thực hiện. Đặc biệt là kiểm soát về tính trung thực của việc kê khai” - TS Đinh Văn Minh nói. Theo TS Minh, nếu chỉ kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì hầu như vô nghĩa, nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển của dòng tiền hay tài sản trong toàn xã hội.

“Trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không chỉ là của người có chức vụ, quyền hạn mà của bất kỳ ai. Điều này có thể thấy rõ trong cơ chế kiểm soát của nhiều nước tiên tiến” - TS Đinh Văn Minh nói.

Theo ông, một mặt, nhà nước luôn cố gắng bảo đảm an toàn, bí mật cho người có tài sản nhưng đổi lại, bất kỳ một công dân nào cũng phải sẵn sàng trả lời hay giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về một khoản tiền hay một tài sản nào đó mà cơ quan đó thấy rằng có dấu hiệu “không bình thường”.

“Một khoản tiền phi pháp dù đã nằm trong túi kẻ phạm pháp hầu như vẫn không thể sử dụng được chừng nào đồng tiền đó chưa được “rửa sạch”. Mọi đồng tiền hay tài sản muốn đưa vào sử dụng đều phải có nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy, vấn đề là phải đấu tranh chống nạn rửa tiền, chuyển dịch tài sản bất hợp pháp không phải chỉ từ đầu nguồn, những người có chức vụ, quyền hạn, những người được cho là có nguy cơ tham nhũng, mà phải ngăn chặn quá trình chuyển dịch và đầu ra, nơi đến của những khoản tiền và tài sản bất hợp pháp này, đó là toàn xã hội, những người không có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập” - TS Đinh Văn Minh nêu rõ.

Với những luận giải như trên, TS Minh cho rằng, đối tượng kê khai tài sản như hiện nay là không thực sự cần thiết. Theo ông, có thể chỉ cần một số lượng nhất định những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước mà việc kê khai, công khai tài sản của họ thể hiện như là một sự cam kết chính trị về tính liêm chính, trách nhiệm, minh bạch của bộ máy nhà nước là đủ.

Đổi lại, theo ông, cần quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra các công cụ để kiểm soát toàn bộ xã hội, thông qua các công cụ về thuế, về sử dụng mọi khoản thanh toán qua tài khoản, hạn chế tiền mặt... Khi đã kiểm soát được trên bình diện toàn xã hội thì việc có quá nhiều đối tượng kê khai như hiện nay sẽ không thực sự cần thiết.

Ngoài ra, theo TS Đinh Văn Minh thì bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản, điều này cho thấy tính chất khép kín của thông tin trong bản kê khai. Việc này tạo ra sự e dè, thiếu tin tưởng của người dân mỗi khi muốn phản ánh về những dấu hiệu không trung thực mà họ phát hiện được với cơ quan quản lý người kê khai tài sản và quản lý bản kê khai tài sản.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông, cần thay đổi một cách căn bản thiết chế kiểm soát bản kê khai và xác minh tài sản trong lần sửa đổi Luật PCTN sắp tới, trong đó, vấn đề giải trình nguồn gốc tài sản và hình sự hóa hành vi làm giàu bất minh phải được đặc biệt quan tâm.

Nguyễn Đình Quyền
Phó Chủ  nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Chúng ta đang hoạch định chính sách trong một nền công vụ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ công chức (Ảnh: Xuân Hưng)

Kê khai tài sản chỉ cho... đẹp!

Đồng quan điểm với TS Minh, ông Nguyễn Đình  Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, luật PCTN được đánh giá rất đẹp, rất tiến bộ nhưng không hiệu quả là do thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.

“Điều quan trọng nhất của chống tham nhũng là kiểm soát thu nhập, còn ê khai tài sản chỉ để cho đẹp. Chúng ta đang hoạch định chính sách trong một nền công vụ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ công chức mà thiếu đi sự kiểm soát có tính chất cưỡng chế của nhà nước. Chúng ta trông chờ quá nhiều vào tuyên truyền giáo dục; quản lý của cấp trên với cấp dưới nhưng những cái đó sẽ trở thành vô nghĩa khi thiếu cơ chế kiểm soát mang tính chất cưỡng chế của nhà nước đối với trách nhiệm công vụ và đối với công tác PCTN” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.

So sánh với các nước khác trong công tác phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Đình Quyền nói: “Các nước không có luật PCTN nhưng vẫn làm tốt vì họ kiểm soát được tài sản. Bất kể tài sản của ai chuyển cho ai, dịch chuyển như thế nào đều kiểm soát được  hết. Do đó, việc phát hiện tham nhũng rất đơn giản, nhưng đối với nước ta là cả vấn đề.”

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, kiểm soát tài sản không những chống được tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại, chống cho vay nặng lãi, chống chứng khoán ảo, chống sở hữu chéo giữa các ngân hàng và chống trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dân sự. “Chống được gần chục cái như vậy, nhưng chúng ta không làm!” – ông Quyền chán nản nói.

Khẳng định kiểm soát tài sản thu nhập là mấu chốt của phòng chống tham nhũng và việc kê khai chỉ là việc đầu tiên của quá trình kiểm soát đó, ông Quyền phân tích: “Kê khai mong chờ vào sự trung thực, và trong trường hợp không trung thực thì chúng ta đi xác minh. Nhưng cơ quan điều tra về tài sản đi điều tra còn không xác minh được thì mấy ông vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra cơ quan không được học hành gì thì xác minh làm sao, xác minh cái gì? Vụ án dân sự, tranh chấp vợ chồng, cha con, thừa kế mà còn 3 năm xử đi xử lại chưa phân định được tài sản của ai, vậy thì mấy ông tổ chức, thanh tra của cơ quan đi xác minh không có trình tự, không có thẩm quyền và không có năng lực, không có chuyên môn thì xác minh cái gì? Chúng ta không có điều  kiện đảm bảo thực hiện. Chúng ta quy định trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng trách nhiệm này không có quy định cụ thể, mơ hồ nên không quy trách nhiệm được” – ông Quyền nêu lên hàng loạt ví dụ minh chứng cho việc thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện luật PCTN.

Ông Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng, mục tiêu không dám, không thể tham nhũng “còn xa lắm”, nếu không có những biện pháp thiết thực.

“Ngay từ bây giờ cần nghiên cứu xây dựng Luật Kiểm soát tài sản thu nhập, không phải chỉ với cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn. Sẽ chả nghĩa lý gì cả bởi vì tiền và tài sản đánh bùn sang ao rất dễ. Vấn đề là phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ công chức và người có quyền hạn, còn nếu không thì công cuộc PCTN vô phương!” – ông Quyền nói.

“Vấn đề cốt lõi nhất là chúng ta cực kỳ bế tắc trong phát hiện hành vi tham nhũng. Trong tình hình vẫn nói là tham nhũng nghiêm trọng trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, nhưng cả tỉnh, cả năm chẳng phát hiện được vụ nào. Nào là thanh tra, kiểm tra, chính trị nội bộ, kiểm điểm... chả phát hiện được ông nào. Chúng ta quá trông chờ vào sự tốt đẹp mà thiếu những công cụ kiểm soát mang tính chất cưỡng chế của nhà nước liên quan đến các thiết chế về phòng chông tham  nhũng” – ông Quyền nói.

Tâm đắc với TS Đinh Văn Minh rằng điều cốt yếu là phải kiểm soát, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết, ông không đồng tình với việc kê khai, minh bạch tài sản.

“Tôi đã từng đề nghị: Tất cả các giao dịch trong xã hội có giá trị từ 20 triệu đồng (tương đương 1.000 đô la) trở lên nếu không thông qua ngân hàng thì được coi là bất hợp pháp, thu luôn. Phải kiểm soát thông qua ngân hàng, qua cơ quan thuế, qua quản lý, chứ chúng ta kiểm soát bằng kê khai, minh bạch, tự giác, thì không làm gì được. Đó là chưa kể, luật của chúng ta quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về nhà nước, nhưng không thể chứng minh được vì họ đã tuồn hết ra cho người khác, ra nước ngoài hết rồi”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Cơ chế xin - cho tạo cơ hội cho tham nhũng

Một điểm quan trọng khác cũng được người từng tham gia xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng nhắc đến, đó là cần phòng ngừa tham nhũng ngay ở chính sách.

“Phải đưa vào luật PCTN rằng các đạo luật không được tạo ra cơ chế xin cho. Đã có xin cho, có điều kiện cấp phép, phê duyệt... là có tham nhũng. Ở các nước, các bộ ngành không làm nhiệm vụ cấp pháp mà chỉ thanh tra, xử lý thôi, còn bộ ngành mình chủ yếu là cấp phép, xin cho, vậy làm sao không tham nhũng được? Nếu còn cơ chế xin cho thì việc phòng ngừa là vô phương” - ông Quyền khẳng định.

Trong phần phát biểu của mình, ông Nguyễn Đình Quyền cũng băn khoăn về việc hàng năm, kiểm toán phát hiện hàng nghìn tỷ, hàng nghìn ha đất sai phạm và thanh tra còn phát hiện nhiều hơn, nhưng cuối cùng “kiểm toán cả năm chỉ chuyển được một vụ sang hình sự, thanh tra năm vừa rồi khá hơn, vài chục vụ”.

Theo ông, tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng, nhưng hầu hết sau khi phát hiện lại xử lý kỷ luật, xử lý nội bộ. “Làm sao mà khắc phục hậu quả lại miễn tố được? chỉ là tình tiết giảm  nhẹ tội thôi. Thế ăn cắp, bị bắt, trả lại là xong à?” - ông Quyền đặt câu hỏi.


Ý kiến bạn đọc