Cha vợ giết con rể và "sự thanh thản của lưỡi dao!"

13:04, 18/05/2016
|

(VnMedia) - Phía sau tội ác là trái tim đau khổ. Đó không phải là một lời biện minh, bào chữa cho những hành vi gây tội ác. Nhưng chỉ khi có thể nhìn thấy nỗi đau phía sau mỗi tội ác thì tội ác mới có thể được ngăn chặn...

Những ngày qua, dư luận thực sự rúng động trước thông tin và hình ảnh một người đàn ông chém chết con rể, sau đó vắt xác anh ta lên xe máy chở đi đầu thú. Nguyên nhân dẫn đến tội ác đó chính là vì anh con rể thường xuyên đánh đập, hành hạ vợ khiến người vợ không chịu đựng nổi nên bỏ về nhà mẹ đẻ. Tuy nhiên, người chồng nát rượu vũ phu không buông tha, tiếp tục đến nhà bố vợ để chửi bới, thậm chí đánh đập vợ.

Trong một cơn cuồng nộ, để bảo vệ con gái, người đàn ông đó đã chém chết anh ta với nhiều nhát dao, sau đó bình thản dùng xe máy chở cái xác đi đầu thú. Nhiều ý kiến trái chiều đưa ra, trong đó phần lớn dù thông cảm với người cha đau khổ nhưng cũng tiếc cho quyết định đáng sợ đó.

VnMedia xin giới thiệu với độc giả một góc nhìn khác, góc nhìn của một người từng xây dựng và thực hiện chương trình “Phía sau tội ác” của VOV với tiêu chí “Luận tội ác, sống bình yên”: Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông quốc gia.

Phạm Trung Tuyến
Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV giao thông Quốc gia

Sự thanh thản của lưỡi dao

“Phía sau mỗi tội ác luôn có những trái tim đau khổ” – Đó là một câu nói luôn được lặp lại trong những bài tập phân tích tâm lý tội phạm. Đó cũng là kiến thức tôi nhớ đến nhiều nhất từ khóa bồi dưỡng tâm lý tội phạm từ 20 năm trước. Nỗi đau, luôn là động cơ mạnh mẽ nhất để tạo nên tội ác với người, với mọi người, và với chính bản thân.

Khi đặt cái xác đầy máu của người con rể lên yên xe rồi mang đến đồn công an, có lẽ, đó là khoảnh khắc thanh thản nhất của ông Nguyễn Văn Nam. Cuối cùng thì ông cũng đã giải thoát được cho con gái của mình khỏi người chồng bạo lực.

Người đàn ông 58 tuổi chém chết con rể rồi chở xác đến đồn công an tự thú hôm 16/5 giữa ban ngày. Đó có lẽ là một hình ảnh ghê rợn, kinh hoàng nhất mà những người dân ở quận Gò Vấp từng thấy trong đời mình. Kinh hoàng bởi sự lạnh lùng của một kẻ sát nhân. Một sự lạnh lùng kinh điển, thậm chí còn lạnh lùng hơn cả hình ảnh Achilles kéo lê xác Hector vòng quanh thành Troy.

Nếu như người dân thành Troy nhìn thấy sự tàn bạo mang màu sắc bi thương của chiến tranh khi Achilles kéo lê cái xác của Hector thì người dân quận Gò Vấp nhìn thấy sự tàn bạo mang sắc thái bất lực của cuộc sống thường ngày khi người đàn ông gày gò chở cái xác máu me của người con rể trên xe máy đi trên đường phố.

Achilles bình thản với sự tàn bạo của mình bởi anh ta nhìn thấy sự vô nghĩa của chiến tranh. Còn người đàn ông ở Gò Vấp bình thản với tội ác của mình bởi nhìn thấy sự tồn tại của mình là vô nghĩa, và bất lực trong cuộc đời này.

Còn gì là vô nghĩa và bất lực hơn đối với một người cha khi thấy con gái mình bị đánh đập tàn bạo hết lần này đến lần khác ngay trước mắt mình?

Không phải bất cứ người đàn ông nào cũng đủ sức mạnh để luôn đảm bảo cho con gái của mình an toàn trước bạo lực. Bởi thế mà họ tuân thủ luật pháp, chấp nhận luật pháp, để có thể yên tâm được che chở bởi bàn tay của luật pháp. Nhưng luật pháp không giúp ông Nam.

Con gái ông bị đánh đập nhiều lần bởi người chồng bạo lực mà không ai bảo vệ. Cô phải trốn về nhà cha mẹ của mình để tìm kiếm sự an toàn. Nhưng ngay cả điều đó cũng không cứu nổi cô khi gã chồng say xỉn vẫn tiếp tục tìm đến. Hàng xóm chứng kiến gã chồng của cô gái hết lần này đến lần khác đứng trước nhà chửi bới và dọa giết.

Người cha ấy có bao nhiêu lựa chọn để giải thoát cho con gái của mình?

Ông có thể khuyên con gái rời bỏ người chồng bạo lực đó. Cô đã bỏ về sống cùng cha mẹ, nhưng không thoát.

Ông có thể hy vọng sự càn rỡ của người con rể sẽ được ngăn chặn bởi luật pháp. Nhưng tất cả im lặng khi ngày ngày anh ta đến nhà chửi rủa, đe dọa, và thậm chí đánh con gái ông ngay trước mặt ông.

Ông có thể vác dao dọa đuổi gã chồng của cô gái. Song, ông đã già và không phải lúc nào cũng có thể ở bên con mình.

Nếu chỉ nhìn vào việc người cha đó bình thản chở xác con rể đến đồn công an đầu thú, nhiều người có thể nghĩ rằng ông ta quá dễ dàng giết người. Nếu dễ dàng như thế, con gái ông đã không phải chịu cảnh bạo hành triền miên đến nỗi phải bỏ về nhà cha mẹ. Nếu dễ dàng như thế, gã chồng nát rượu kia đã không thể mỗi lần say lại một lần đứng trước nhà chửi bới.

Lựa chọn vác dao chém chết gã con rể của người cha đó là kết quả của một quá trình suy tính kỹ càng, một quyết định trả giá của người cha để đổi lấy tự do của con gái.

Đối với người đàn ông 58 tuổi ấy, giết gã con rể, đặt xác lên xe chở đến đồn công an, đó là quá trình hoàn tất một trách nhiệm đối với cuộc đời mình, là điều cuối cùng mà ông có thể làm để bảo vệ đứa con. Thanh thản như một sự giải thoát.

Lấy đi sinh mạng người khác, dù trong tình huống nào cũng sẽ là một tội ác. Tội ác thì luôn đáng sợ. Nhưng khi tội ác xuất hiện trong một sắc thái bình thản thì chúng ta nhìn thấy một điều đáng sợ hơn cả tội ác. Đó là sự bất lực và vô nghĩa của cuộc sống.

Phía sau tội ác là trái tim đau khổ. Đó không phải là một lời biện minh, bào chữa cho những hành vi gây tội ác. Nhưng chỉ khi có thể nhìn thấy nỗi đau phía sau mỗi tội ác thì tội ác mới có thể được ngăn chặn. Chỉ khi giải tỏa được những nỗi đau của con người thì xã hội này mới bớt đi cái ác.


Ý kiến bạn đọc