Sau vụ ông Vũ Huy Hoàng: Chưa có chế tài thì cần sửa luật

19:38, 18/11/2016
|

(VnMedia) - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 18/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hiện chưa có chế tài thì tới đây cần sửa luật để khi xảy ra trường hợp tương tự như ông Vũ Huy Hoàng sẽ có chế tài xử lý.

Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Kết luận phiên chất vấn hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nói về vấn đề Công Thương đã nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhiều đại biểu quốc hội, Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 vì đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ công thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

“Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát để sửa đổi và bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu”.

Nói về vấn đề này, sáng nay, bên hành lang Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Quốc hội đã biểu thị cao trước diễn đàn Quốc hội cả nước như vậy là thể hiện quan điểm phê phán với vi phạm nghiêm trọng là thoả đáng.

“Từ đó, Quốc hội nêu thông điệp rằng, tới đây cán bộ sai phạm thì dù đương chức hay nghỉ hưu cũng phải xem xét. Hiện chưa có chế tài thì tới đây cần sửa luật để khi xảy ra trường hợp tương tự thì có chế tài xử lý. Đây cũng chính là thông điệp Quốc hội công khai trước quốc dân đồng bào phê phán sai phạm của nguyên Bộ trưởng” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo ông Phúc, Quốc hội phải đảm bảo tính pháp lý, theo pháp luật quy định. “Quốc hội với hình thức xử lý như thế là rất cao. Vì trước nay chưa có ai bị phê phán như thế cả. Quốc hội công khai phê phán trước diễn đàn truyền hình trực tiếp thì giờ đi đâu ai cũng biết ông Hoàng vi phạm nghiêm trọng như thế rồi” - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với ý kiến của Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền về việc áp dụng thời hiệu trong luật Công chức để kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, luật Công chức áp dụng với công nhân viên chức khi đang đương chức chứ không áp dụng cho người nghỉ hưu.

Cũng trong cuộc trao đổi, khi nhắc đến nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ông Phúc cho biết, cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, chưa có kết luận. “Qua việc này thấy rằng cần có những chế tài, phải sửa để làm sao đối với những đối tượng cán bộ lãnh đạo vi phạm thì kể cả đương chức hay nghỉ hưu thì cũng phải xử lý. Tới đây sẽ nghiên cứu việc chế tài” - ông Phúc nói.

Cho biết Việt Nam không có luật hồi tố như một số nước khác, nhưng theo ông Phúc, “nguyên tắc anh đã vi phạm thì dù đương chức hay đã nghỉ hưu mà khi làm chức vụ giai đoạn đó có vi phạm thì vẫn phải xử lý”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, rằng trong trường hợp các cơ quan tìm hiểu, xử lý kỷ luật nếu phát hiện sai phạm thì có cơ chế chuyển cho cơ quan điều tra không, ông Phúc cho biết: “Cơ quan kiểm tra thấy có vấn đề vi phạm đến mức phải khởi tố thì chuyển cơ quan điều tra khởi đó. Đó là quy định, nhưng ở đây trường hợp ông Vũ Huy Hoàng là đã kiểm tra rồi, kết luận rồi còn chuyển sang hay không là điều cần nghiên cứu”.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc