Vụ 2 bệnh nhân tử vong ở bệnh viện Trí Đức: Quy trình đúng, thuốc chuẩn!

17:12, 21/02/2017
|

(VnMedia) - Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình; quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê phù hợp với quy định của Bộ Y tế… Hai bệnh nhân chết do sốc phản vệ nhưng chưa đủ thông tin lý giải…”– Hội đồng chuyên môn kết luận.

Tạm dình chỉ công tác kíp phẫu thuật BVĐK Trí Đức
Hai bệnh nhân tử vong sau gây mê tại BVĐK Trí Đức

Kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội vừa được Sở Y tế Hà Nội công bố chiều 21/2 sau gần 2 tháng xảy ra vụ việc dẫn đến cái chết sau gây mê của 2 bệnh nhân tại bệnh viện Trí Đức.

Theo đó, thành phần Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân sau khi tiêm thuốc gây mê ở Bệnh viện Trí Đức ngày 25/12/2016 (ông Hoàng Văn Trấn, SN 1982 và bà Quách Thị Mai Phương, SN 1979) gồm 10 người, do bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng.

Trong buổi họp Hội đồng chuyên môn cũng có sự tham gia của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức và 2 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên trong 2 kíp thực hiện kỹ thuật gây ra 2 ca tử vong nêu trên (bác sĩ Chu Đức Khánh, bác sĩ Đỗ Thị Liên, kỹ thuật viên Mai Hợp Lộc và kỹ thuật viên Phạm Thị Hương.)

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn có ý kiến như sau:

Về quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê cho 2 bệnh nhân trên tại Bệnh viện Trí Đức phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, các bệnh nhân được khám trước gây mê, lâm sàng và cận lâm sàng. Monitoring phù hợp trong phòng mổ, các thuốc dùng đủ, đúng liều theo trình tự. Kiểm soát hô hấp bằng bóp bóng và o-xy qua mast qua ống nội khí quản.

Bệnh viện Trí Đức có phương tiện máy móc theo dõi bệnh nhân. Các thuốc sử dụng hợp lý, đúng liều. Bệnh nhân được bóp bóng khi khởi mê và cấp cứu.

Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả 2 trường hợp bệnh nhân.

Về quy trình cấp cứu khi các bệnh nhân có diễn biến xấu, Hội đồng chuyên môn kết luận: Bệnh nhân được phát hiện sớm diễn biến nặng và xử trí cấp cứu kịp thời, xử trí ngay bằng các biện pháp cấp cứu như thuốc, đặt ống nội khí quản, cho thở oxy, sử dụng tiêm và truyền adrenalin đúng theo hướng dẫn cấp cứu sốc phản vệ.

Bên cạnh đó, Hội đồng đánh giá, bệnh viện cần có máy chống rung tim trong phòng phẫu thuật. Nếu theo dõi được EtCO2 và FiO2 thì chẩn đoán và hồi sức sẽ thuận lợi hơn.

Việc Bệnh viện Trí Đức quyết định chuyển 2 bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu.

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội cho hay, các thuốc được sử dụng cho cả 2 người bệnh (ghi trong hồ sơ bệnh án của 2 người bệnh) là đúng loại, đúng liều, có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, được Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong gây mê. Tuy nhiên, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ.

Đáng chú ý, sau khi nghiên cứu hồ sơ và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội chẩn đoán nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Trí Đức là: “Suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, nghĩ nhiều đến sốc phản vệ mức độ nặng (phù hợp kết quả giải phẫu bệnh).

“Tuy nhiên chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả 2 trường hợp trên” – Biên bản của Hội đồng chuyên môn nêu rõ.

Về quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của Bệnh viện Trí Đức, Hội đồng chuyên môn cho biết, do chưa có đủ thông tin nên Hội đồng chuyên môn chưa có đủ cơ sở để kết luận.

Theo Biên bản Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội, kết luận của Hội đồng chuyên môn cũng không thông tin về trách nhiệm của Bệnh viện Trí Đức cũng như các thành viên của 2 kíp mổ.

Trước đó, ngày 25/12, anh Hoàng Văn Trấn (SN 1982) ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cắt amidan và chị Quách Thị Mai Phương (SN 1979) là cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh vào Bệnh viện Đa khoa Trí Đức để phẫu thuật tiểu phẫu tuyến giáp.

Sau khi được khám và điều trị, hai bệnh nhân được thực hiện bằng phương pháp tiền mê cách nhau 20 phút. Sau khi thực hiện tiền mê, cả hai bệnh nhân có biểu hiện tím tái, khó thở, lơ mơ, giãn đồng tử, tim ngừng đập.

Ngay sau khi bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã cấp cứu và chuyển bệnh nhân vào khoa A9 (BV Bạch Mai) để cấp cứu tích cực. Sau 2 tiếng cấp cứu, cả 2 bệnh nhân đều tử vong.

Như vậy, sau gần 2 tháng xảy ra vụ việc, cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến việc hai bệnh nhân bị sốc phản vệ và tử vong vẫn chưa được làm rõ.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc