Cháy ở đường Phạm Hùng: Sụt mái tôn đè 3 cán bộ chiến sĩ

08:44, 12/04/2017
|

(VnMedia) - Vụ cháy tại lô đất E1.2 đường Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội) hôm 7/4 vừa qua đã khiến 3 cán bộ chiến sĩ bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy.

cháy đường Phạm Hùng
Vụ cháy ở đường Phạm Hùng làm 3 chiến sĩ bị thương

Thông tin được Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội thông tin tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ chiều 11/4.

Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, chỉ riêng trong quý I/2017, toàn Thành phố đã xảy ra 291 vụ cháy, trong đó cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 4 vụ (1 vụ chết người, 3 vụ thiệt hại tài sản trên 3 tỷ đồng); cháy trung bình 50 vụ, cháy nhỏ 223 vụ, cháy rừng 13 vụ làm 1 người chết, tài sản thiệt hại trên 34 tỷ đồng và 4ha rừng.

Các vụ cháy trên làm chết 1 người, tài sản trên 34 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2016: cháy nghiêm trọng tăng 1 vụ, cháy trung bình giảm 2 vụ, chảy nhỏ tăng 18 vụ, giảm 1 người chết, thiệt hại tài sản tăng 7 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm 2017 cũng đã xảy ra 2 vụ nổ do cưa cắt thùng phuy có chứa hỗn hợp hơi khí cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Đáng chú ý là vụ cháy chiều ngày 7/4/2017 tai lô đất E1.2 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Vụ cháy này đã khiến 3 cán bộ chiến sĩ bị thương trong quá trình tham gia chữa cháy. Nguyên nhân là do mái tôn sụt xuống, đè lên lưng khiến các cán bộ chiến sĩ bị sụn xương sống phải đi cấp cứu.

“Công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là công việc hết sức nguy hiểm, rủi ro. Lửa đã được ví như giặc, việc cứu hoả không khác gì ra chiến trường chiến đấu, có thể xảy ra nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của lực lượng này. Trong quá trình làm nghiệp vụ có thể xảy ra rủi ro, nặng nhẹ khác nhau” - Thiếu tướng Định chia sẻ.

Cũng theo tướng Định thì nguyên nhân, về chủ quan “có thể do không thông thạo, không có kỹ năng tốt, hay nhiệt tình quá, hăng hái quá, liều mình quá cũng dẫn đến rủi ro, thương tích. Lãnh đạo bộ Công an và Thành phố rất hiểu, quan tâm chăm lo cho lực lượng này ngày một tốt hơn lên.”

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Định, khâu tuyển sinh tuyển dụng vào ngành này hoàn toàn không hấp dẫn như các lực lượng khác. “Năm vừa rồi giao chỉ tiêu 200, chúng tôi chỉ tuyển được ngót ba chục. Đây là thực tiễn xã hội. Chế độ lương cũng chưa có gì đặc biệt hơn” - ông Định nói.

Nhà cao tầng: Nghiệm thu thì đạt, hoạt động lại có vấn đề          

Thông tin tại cuộc giao ban báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, Hà Nội có 1077 nhà cao tầng (văn phòng, đa năng, chung cư..), các nhà cao tầng này nhìn chung đều có tồn tại là giao thông xung quanh đều bị lấn chiếm, trồng cây cao, dây điện… gây cản trở, khi chữa cháy  gặp nhiều bất cập.

“Khoảng cách giữa các toà nhà tại thời điểm nghiệm thu thì tốt, nhưng sau đó bị lấn chiếm để xe, kinh doanh nên không đảm bảo khoảng cách giữa các công trình với nhau.”

Đặc biệt, ông Tuấn Anh chia sẻ, thang cứu hộ chữa cháy hiện chỉ có thể vươn tới tầng 15-16, nhưng các toà nhà lại cao gấp nhiều lần. Việc phòng cháy chữa cháy đối với các toà nhà này phải do chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, kiểm tra thì thấy cửa thoát nạn, buồng thang thoát nạn đều bị lấn chiếm, biến thành kho của người dân.

“Lẽ ra khi có cháy, người dân có thể vào buồng thang thoát nạn có cửa chống cháy được đóng kín, đủ áp xuất dư là an toàn, là sống… nhưng việc này không được thực hiện đúng các quy định, chủ đầu tư thì không được bảo dưỡng" - ông Tuấn Anh nói và cảnh báo thêm: “Khi cháy, chủ yếu người dân chết do hít phải khí độc. Như vụ cháy quán karaoke, với lượng khí đặc như vậy chỉ cần 3 lượt hít là đã tử vong".

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở PCCC cũng cho biết, hiện tượng trong các căn hộ cho thuê làm văn phòng, thêm thiết bị điện nên quá tải, tăng mật độ người trong công trình… ảnh hưởng đến thoát nạn trong sự cố.

“Theo quy định thì hệ thống PCCC 6 tháng hoặc 1 năm phải bảo dưỡng 1 lần nhưng việc này không được thực hiện tốt. Nhìn chung khi được kiểm tra kết quả rất tốt, nhưng sau đó có vấn đề”, ông Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cho biết.

Theo lãnh đạo Sở PCCC Hà Nội, trước tình trạng trên, mỗi năm Sở PCCC Hà Nội đều có chuyên đề, 1 năm có 4 lượt kiểm tra hệ thống PCCC ở các tòa nhà cao tầng và đều phạt rất mạnh nhưng chủ đầu tư và người dân chuyển biến chưa tốt.

“Chúng tôi đã làm rất quyết liệt nên trong thời gian vừa qua tồn tại trong các nhà chung cư cũng ít đi”, ông Phó giám đốc Sở PCCC Hà Nội nói.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc