Vì sao quy hoạch các Bộ, ngành lại phải "đi qua đi lại" Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

20:15, 25/10/2017
|

(VnMedia) -Trả lời những thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều chỉnh quy hoạch là một vấn đề rất quan trọng, rất phức tạp.

 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Sáng nay (25/10), lần thứ 3, Dự thảo Luật Quy hoạch được đưa ra bàn tại Quốc hội cho thấy sự phức tạp và khó khăn khi xây dựng Luật này.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho biết, sau khi Luật quy hoạch được thông qua, quy hoạch chung của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục tồn tại và chịu sự điều chỉnh của 2 luật, đó là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.

Trong khi đó, theo dự thảo Luật Quy hoạch đối với cấp tỉnh chỉ có 1 quy hoạch, đó là quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5.

“Như vậy, ở các tỉnh thì các quy hoạch cấp tỉnh khác, kể cả quy hoạch xây dựng cấp tỉnh và quy hoạch vùng tỉnh được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Ở các thành phố trực thuộc Trung ương cũng có 2 quy hoạch cấp tỉnh cùng tồn tại là quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, theo tôi điều này chưa thực sự phù hợp với quan điểm tích hợp trong dự thảo của Luật Quy hoạch” - đại biểu Phương nhấn mạnh.

Còn đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) thì cho biết, tại Điều 55 quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung đối với các cấp quy hoạch. Tuy nhiên, đối với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng có thể điều chỉnh cục bộ do có sự thay đổi điều kiện cụ thể của mỗi tỉnh. Do vậy, đại biểu Tín đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trình tự, thủ tục, điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp điều chỉnh cục bộ để có cơ sở pháp lý thực hiện, tạo sự linh hoạt trong công tác quy hoạch, tạo điều kiện để địa phương chủ động trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, các yếu tố mới phát sinh, đáp ứng được yêu cầu phát triển của mỗi địa phương.

Băn khoăn với quy hoạch ngành, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu ý kiến: ”Nếu quy hoạch thế này thì mạnh đơn vị, mạnh ngành nào ngành nấy quy hoạch, thiếu "nhạc trưởng". Rồi liệu có khắc phục được thực trạng hiện nay đang diễn ra trong thực tế, đó là quy hoạch không thống nhất cho nên không có tổng thể, dẫn đến cứ làm đường xong lại đào lên để làm nước và hạ đường điện xuống. Cho nên nếu chúng ta quy hoạch ngành mà chúng ta quy định không rõ thì mạnh ngành nào ngành đó quy hoạch thì sẽ còn có những hiện tượng đó”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, nhà nước không nên tham gia vào quy hoạch ngành. “Ví dụ như ngành nông nghiệp tại sao có quy hoạch rồi mà vẫn phải chặt cây điều, đồng bào nhân dân vẫn phải chặt cây tiêu. Đặc biệt gần đây nhất quy hoạch đàn lợn, mặc dù chưa đúng và đủ mắt của quy hoạch nhưng chúng ta vẫn phải giải cứu. Vậy, nhà nước quy hoạch ngành như thế này thì thiệt hại của nhân dân ai chịu trách nhiệm? Có được đền bù không vì người ta làm theo quy hoạch? Cho nên việc này tôi đề nghị xem xét Nhà nước có nên quy hoạch các ngành không” - đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.

Trả lời những thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều chỉnh quy hoạch là một vấn đề rất quan trọng, rất phức tạp.

“Trong thực tiễn, nếu quy định quá cứng nhắc để không linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển thì sẽ gây cản trở hoặc sẽ làm chậm việc phát triển lại. Tuy nhiên, nếu quy định không chặt chẽ thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ dẫn đến tùy tiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.” Bộ trưởng phân tích.

Ông nhấn mạnh: “Lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn khó nữa, nên chúng tôi thiết kế làm sao để đảm bảo được điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn với cuộc sống, với yêu cầu nhưng cũng phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định, đảm bảo giữ được việc không được điều chỉnh tùy tiện trong quá trình thực hiện quy hoạch”.

Liên quan đến một số ý kiến các đại biểu rằng tại sao quy hoạch cấp tỉnh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại là cơ quan thành lập hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích:

“Dự thảo ban đầu thì chúng tôi đề nghị Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định theo đúng nguyên tắc tôi vừa báo cáo. Tuy nhiên, Chính phủ có yêu cầu khi lập các quy hoạch cấp tỉnh thì có rất nhiều các quy hoạch còn có thể phải xử lý trong các trường hợp điều chỉnh, nếu trường hợp nào cũng đưa lên cho Chính phủ thì rất phức tạp và rất nhiều. Do vậy, Chính phủ ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch giúp Thủ tướng làm một việc là thành lập Hội đồng đó và tổ chức thẩm định, sau đó vẫn phải trình cho Thủ tướng. Tất cả các quy hoạch thì bộ nào, ngành nào, địa phương nào trước đây lập như thế nào thì hiện nay vẫn thực hiện theo như thế không có chuyện và không có việc thiết kế để đưa các việc đó về Bộ Kế hoạch.”

“Tôi xin được báo cáo để thấy rằng không phải thiết kế theo cách đi qua đi lại Bộ Kế hoạch - Đầu tư quá nhiều “ – Bộ trưởng Dũng phân trần.

Liên quan đến việc phê duyệt và thẩm định quy hoạch, theo Bộ trưởng, nếu Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng thẩm định để phê duyệt các nhiệm vụ về quy hoạch thì phụ thuộc vào các kỳ họp Quốc hội, do vậy, có thể sẽ kéo dài rất nhiều thời gian.

"Ban soạn thảo đã báo cáo, xin phép Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế, Chính phủ sẽ quyết định thành lập việc này, sau đó trình cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra và cuối cùng trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo cách đó sẽ linh hoạt và không mất quá nhiều thời gian cho các địa phương vào các quy hoạch" - Bộ trưởng thông tin.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng cho biết, hiện các sản phẩm, lợn gà không còn quy hoạch nữa mà do thị trường quyết định.

"Nhà nước làm công tác dự báo, phân tích, thông tin để tuyên truyền chứ Nhà nước không lập các quy hoạch các sản phẩm cụ thể. Các quy hoạch ngành thì chúng ta chỉ giữ những quy hoạch ngành liên quan đến kết cấu hạ tầng và khai thác sử dụng tài nguyên, vì hạ tầng phải đi trước và phải cứng, phải ổn định còn tài nguyên không tái tạo được nên không được sử dụng lãng phí, cần phải có một quy hoạch” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc