Choáng: Quản lý thị trường đòi quyền hơn công an!

20:55, 13/05/2013
|

(VnMedia)- Theo chức năng được phân công, lực lượng quản lý thị trường phải đảm trách nhiệm vụ để thị trường không có hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhưng, lực lượng này đang chuyển hướng quản lý người dân khi đòi "đứng đường" cùng công an...

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


I. Ngày 9/5, Đội quản lý thị trường số 1 (QLTT) cho biết, qua kiểm đếm lô hàng vừa bị thu giữ của một người Trung Quốc, đơn vị tạm trữ 4.060 cuộn giấy dán tường các loại và 340 cuộn giấy dán kinh các loại, tổng giá trị lô hàng khoảng 2,3 tỷ đồng.

Vụ việc được phát hiện vào sáng 8/5 khi tiến hành kiểm tra kho hàng tại số nhà 368, Ngọc Đại, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội nằm trong khuôn viên của xí nghiệp cơ khí ô tô thuộc Công ty cổ phần phát triển vận tải Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, người tự xưng là chủ lô hàng - ông Hồ Bê Kiệt - quốc tịch Trung Quốc, sang Việt Nam với hình thức du lịch đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ hàng hóa. Cục quản lý thị trường đang tạm trữ lô hàng chờ xử lý.

Cùng ngày tại cảng Phà Đen, Đội QLTT số 1 đã bắt và tiêu hủy được 5.000 quả trứng gà không rõ nguồn gốc.

Cũng trong chiều 8/5, khi đồng loạt tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của 28 cửa hàng dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Thợ Nhuộm..., lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ gần 1.800 chiếc dây lưng và ví da trong đó có cả hàng lậu và hàng giả các thương hiệu nổi tiếng như: Louis Vuitton, Gucci...

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết, thời gian cao điểm từ 28/4 đến nay, QLTT đã kết hợp với Phòng CSKT, CA Hà Nội tiến hành kiểm tra trên khâu lưu thông, đã tịch thu, tiêu hủy gần 4 tấn cá tầm, ếch, cá quả, cá trê giống của Trung Quốc.

Kết quả trong một tuần làm việc của một đội quản lý thị trường trên địa bàn một địa phương- dù đó là thủ đô Hà Nội- cho thấy, nếu lực lượng quản lý thị trường làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, chắc chắn sẽ rất bận rộn. Nhưng đổi lại, chắc chắn người dân sẽ được sống trong an toàn vì được sử dụng những sản phẩm chất lượng.

II. Trong cuộc họp về kiểm soát mũ bảo hiểm gần đây, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT đề nghị: “QLTT sẽ phối hợp với CSGT xử phạt mũ bảo hiểm tại một số tuyến phố thí điểm. Trong đó QLTT yêu cầu dừng xe và xử phạt trường hợp nào thì CSGT có nhiệm vụ dừng xe trường hợp đó.”

Ngay trước khi ông Cục phó đưa ra đề xuất này, đại diện cử tri tỉnh Đắk Nông cũng đã có kiển nghị gửi Bộ Công an đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg, ngày 24/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt việc tuỳ tiện dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát theo hướng quy định cho lực lượng Quản lý thị trường được phép dừng các phương tiện giao thông khi phát hiện có hành vi chở hàng lậu để kịp thời kiểm tra, kiểm soát, để tránh tình trạng tẩu tán hàng lậu trước khi lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt. Đồng thời, tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Đội trưởng Đội quản lý thị trường, vì mức phạt cao nhất theo quy định này là quá thấp.

May mắn là, trong phần trả lời cử tri, Bộ Công an đã thẳng thừng "từ chối". 
 
Theo đó, trước khi có Chỉ thị 21/1998/CT-TTg, tình hình ở một số địa phương và trên một số tuyến giao thông đường bộ xảy ra tình trạng nhiều lực lượng tuỳ tiện dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát, làm ảnh hưởng tới lưu thông hàng hoá và sự đi lại bình thường của nhân dân. Trong nhiều trường hợp, một số cá nhân lợi dụng việc này để gây nhũng nhiễu, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây bất bình trong nhân dân. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 24/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg, trong đó quy định rất rõ việc dừng phương tiện của các lực lượng, tại Điểm 4 có quy định: “ Lực lượng quản lý thị trường, Thuế vụ, Hải quan khi phát hiện phương tiện giao thông có chở hàng lậu thì trực tiếp liên hệ với Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ nơi gần nhất để Cảnh sát giao thông dừng phương tiện cho các lực lượng đó kiểm tra, kiểm soát và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu dừng phương tiện giao thông”.

Mặt khác, Điều 87 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông chỉ do lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ đảm nhiệm. Để thực hiện nghiêm túc, Luật Giao thông đường bộ, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 45/2012/TT-BCA, ngày 27/7/2012 quy định cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông khi đi ra đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải đeo biển hiệu Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Thông tư số 65/2012/TT-BCA, ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ; Thông tư số 66/2012/TT-BCA, ngày 30/10/2012 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông.

Theo đánh giá của Bộ Công an, các quy định của pháp luật nêu trên đang được thực thi là phù hợp, khắc phục được tình trạng nhiều lực lượng ra đường dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hoá và sự đi lại bình thường của nhân dân; quá trình thực hiện các quy định này chưa có vướng mắc gì. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành.

III. Từ phần trả lời của Bộ Công an cho thấy, lực lượng QLTT không thể "xuống đường" làm nhiệm vụ như đề đạt. Điều này là sự "may mắn" cho người dân, bởi, nếu đề xuất của Cục QLTT được đồng ý, thì người dân lại tăng thêm một mối lo bên canh vô vàn nỗi lo trong cuộc sống hàng ngày.

Khi thức giấc vào buổi sáng hàng ngày bất cứ người dân nào cũng bị những lo lắng kiểu như hôm nay ăn gì cho an toàn, hôm nay có sản phẩm nào mình đang dùng là hàng giả, hàng kém chất lượng, có chất gây ung thư... Tại sao? Vì chính bản thân các ngành chức năng cũng không kiểm soát được chất lượng đầu vào của tất cả các sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày. Những người có chức trách còn thường xuyên đề nghị "người dân hãy là người tiêu dùng thông thái" để chọn lựa những sản phẩm không có độc hại gì cho bản thân và những người thân trong gia đình sử dụng.

Vậy là thay vì đương nhiên được hưởng thụ một cuộc sống tốt, người dân đang phải gánh vác thêm công việc của cơ quan chức năng cụ thể là QLTT. Đôi lúc khi đọc được thông tin ở đâu đó bị ngộ độc do ăn thức ăn bẩn, mắt bị ảnh hưởng vì đeo mắt kính giả, đồng hồ giả, túi xách nhái thương hiệu; rồi quần áo lót phụ nữ có vật lạ... sau khi qua cảm giác hốt hoảng, bất an, điều gần như ngay lập tức mọi người cùng bật lên: QLTT ở đâu, ngành chức năng ở đâu?

Quay trở lại với đề xuất được "đứng đường" của QLTT, dường như cả cử tri Đắk Nông và ông Cục phó đều đang lẫn lộn về trách nhiệm được phân công đối với ngành của mình. Theo chức năng nhiệm vụ, cán bộ QLTT là phải thực hiện quản lý thị trường chứ không phải "lấn sân" sang nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Theo quy định, Công an nhân dân có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội. Còn cảnh sát giao thông sẽ đảm bảo thực thi nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực giao thông.

Chính vì vậy, việc đề xuất được "đứng đường" và chỉ xe nào vi phạm thì cảnh sát giao thông dừng xe đó, vô hình chung lực lượng QLTT đang đòi quyền to hơn công an- lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc