Quyền lợi cho lao động khi kết thúc hợp đồng

14:51, 17/01/2012
|

(VnMedia) - Hợp đồng lao động của tôi hết hạn và đã có đơn xin nghỉ việc. Vậy xin hỏi quyền lợi của lao động như thế nào (tiền đặt cọc, hồ sơ gốc)? Cơ quan nào giải quyết? (maihoa@yahoo.com)

Câu hỏi của bạn đã được chúng tôi gửi đến luật sư và được trả lời như sau:

Theo Điều 43 Bộ luật Lao động, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Nếu khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động mà công ty bắt buộc người lao động đặt cọc không tuân theo các quy định của pháp luật, thì hành vi đó bị pháp luật cấm.   

Tại Điểm a, Khoản 4 và Điểm c, Khoản 5 Điều 8 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động thì trường hợp người sử dụng lao động có hành vi "Bắt người lao động đặt cọc tiền không tuân theo những quy định của pháp luật" sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.   

Ngoài các hình thức xử phạt tiền nêu trên, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, gồm trả lại số tiền đặt cọc cho người lao động cùng với số lãi suất của số tiền đặt cọc đó (lãi suất được tính theo mức lãi suất không kỳ hạn mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nhận tiền đặt cọc).

Đối với khoản tiền đặt cọc và hồ sơ lái xe gốc mà công ty nhận của ông Phùng Khắc Quyền, Công ty phải có trách nhiệm thanh toán số tiền đặt cọc và trả lại hồ sơ lái xe gốc cho ông Quyền trong thời hạn 7 ngày. Trường hợp đặc biệt không kéo dài quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng được chấm dứt.

Đến nay đã qua 3 tháng kể từ khi ông Quyền thực hiện xong hợp đồng lao động với công ty, ông đã nghỉ việc mà công ty không thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan cho ông, không trả tiền đặt cọc, không trả hồ sơ lái xe gốc cho ông là trái pháp luật quy định tại Điều 43 Bộ Luật Lao động.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Quyền có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giải quyết hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính, đề nghị Tòa án giải quyết buộc công ty phải trả lại tiền đặt cọc cùng lãi suất của tiền đặt cọc đó và hồ sơ lái xe cho ông.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc