Bác sỹ "chui" ngang nhiên khám ở Maria đã lâu

19:34, 24/07/2012
|

(VnMedia) - Một thông tin được Sở Y tế thành phố Hà Nội vừa cho biết, đó là kể từ khi được cấp phép vào năm 2010, phòng khám Maria đã bị thanh kiểm tra 4 lần và cả 4 lần đều bị phát hiện có sai phạm. Tuy nhiên, kết quả xử lý chỉ là phạt tiền (với tổng số tiền phạt cả 4 lần là 42 triệu đồng) và phòng khám vẫn tiếp tục được hoạt động cho đến khi xảy ra cái chết của nạn nhân Phong mới bị đình chỉ.
 

>> Xử tiếp 2 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc “chui”

Đặc biệt, đoàn thanh tra đã phát hiện phòng khám Maria có bác sĩ Trung Quốc hành nghề “chui” ngay từ lần kiểm tra đầu tiên cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, kết quả xử lý của cả 4 lần chỉ là phạt tiền (với tổng số tiền phạt cả 4 lần là 42 triệu đồng) và phòng khám vẫn tiếp tục được hoạt động cho đến khi xảy ra cái chết của nạn nhân Phong mới bị đình chỉ.

 

Cụ thể, lần đầu tiên phòng khám Maria bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội do bà Đặng Thị Hoà, Phó Chánh Thanh tra làm trưởng đoàn, phát hiện vi phạm là vào ngày 6/5/2011. Tại lần kiểm tra này, phòng khám Maria bị phát hiện quảng cáo không đúng với nội dung đã được Sở Y tế Hà Nội phê duyệt; kinh doanh thuốc tân dược không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề.

 

Đặc biệt, ngay lần kiểm tra này, Thanh tra Sở đã phát hiện tại phòng khám có người nước ngoài làm công việc chuyên môn nhưng chưa được phép của Sở Y tế Hả Nội. Ngoài ra, phòng khám Maria cũng bị phát hiện kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề.

 

Với những lỗi vi phạm này bị phát hiện ngay lần đầu tiên này, phòng khám Maria bị xử phạt tổng cộng là 18,5 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ Đặng Cẩm Chi, quốc tịch Đài Loan, cho đến khi được cấp phép của Sở Y tế Hà Nội.

 

Lần thứ 2, vào ngày 29/6/2011, tức là chưa đầy 2 tháng kể từ khi bị phát hiện vi phạm lần đầu, Thanh tra Sở Y tế qua kiểm tra tiếp tục phát hiện phòng khám Maria có sử dụng người nước ngoài là thầy thuốc Trung Quốc tham gia khám bệnh tại phòng khám chưa được cấp phép của Sở Y tế Hà Nội. Nhưng lần này không phải là bác sĩ Đặng Cẩm Chi mà là bác sĩ Liu Gui Qin (thường gọi là Hạ (Quốc tịch Trung Quốc).

 

Với sai phạm này, bà Phạm Thị Minh Trang, bác sĩ phòng khám bị phạt 7,5 triệu đồng. Đoàn thanh tra cũng đồng thời đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của vị bác sĩ nước ngoài Liu Gui Qin.

 

Sau hai lần phát hiện sai phạm liên tiếp, ngày 16/11/2011, Thanh tra Sở Y tế do bà Đặng Thị Hoà, Phó Chánh Thanh tra làm trưởng đoàn lại tiếp tục kiểm tra và phát hiện phòng khám Maria có những sai phạm mới như: Không đảm bảo đủ điều kiện về thiết bị kỹ thuật và sử dụng các loại tăm bông, kim chích, săng không có nhãn mác theo quy định.

 

Phòng khám này cũng bị phát hiện sử dụng bác sĩ Trần Đào Minh Ngọc hành nghề siêu âm tại phòng khám không có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, phòng khám còn bị phát hiện không thực hiện việc uỷ quyền theo đúng quy định của pháp luật đối với người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc khi vắng mặt.

 

Với các lỗi vi phạm nói trên, lần này, phòng khám Maria bị phạt tổng cộng là 5 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ Trần Đào Minh Ngọc tại cơ sở cho đến khi được Sở Y tế Hà Nội cấp phép.

 

Nửa tháng trước khi xảy ra cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Phong, ngày 27/6, đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện phòng khám đa khoa Maria quảng cáo không đúng chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa niêm yết giá; Phòng khám có lập hồ sơ nhưng ghi chép không đầy đủ.

 

Với những vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế quyết định xử phạt đối với bà Phạm Thị Minh Trang, chức vụ bác sĩ phòng khám. Bà Trang là người có giấy uỷ quyền của bà Đỗ Thị Y Na. Hình thức xử phạt là 11, 5 triệu đồng. Các biện pháp khắc phục hậu quả là chỉ được quảng cáo đúng với phạm vi chuyên môn đã được cấp phép, niêm yết công khai, đầy đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám, ghi chép đầy đủ hồ sơ, bệnh án đối với người bệnh.

 

Tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 24/7, bà Đặng Thị Hoà, phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Phòng khám đa khoa Maria có 2 bác sĩ giúp việc được cấp phép là người Trung Quốc bao gồm bác sĩ Hoàng Đỉnh Lập và bác sĩ Lôi Hồng. Tuy nhiên, 3 bác sĩ liên quan đến cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Phong lại là những người khác, và không hề được cấp phép khám, chữa bệnh tại phòng khám Maria.

 

“Không phải muốn tước là tước”

 

Theo thông tin từ bà Trần Thị Mỵ Hà, Trưởng phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, phòng khám Maria trực thuộc công ty cổ phần An Thịnh, được Sở Y tế thành phố cấp phép ngày 30/12/2010 và giấy phép có thời hạn đến ngày 30/12/2015.

 

Các phạm vi khám chữa bệnh chuyên môn tại phòng khám là khám chữa bệnh nội khoa, nhi khoa, phụ khoa, kế hoạch hoá gia đình, khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại, khám chữa bệnh xét nghiệm hoá sinh, vi sinh vật.

 

Về nhân sự, người phụ trách chuyên môn của phòng khám Maria là bác sĩ Đỗ Thị Y Na, sinh năm 1948. Bác sĩ chuyên khoa nội, nguyên là Phó Giám đốc bệnh viện 198, là Thầy thuốc Nhân dân, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khám chữa bệnh nội khoa.

 

Liên quan đến 2 bác sĩ quốc tịch người Trung Quốc là bác sĩ Lôi Hồng và bác sĩ Trần Đình Lập, bà Hà cho biết, khi cấp phép cho phòng khám Maria hoạt động, Sở Y tế không cấp phép cho bác sĩ người nước ngoài nào tham gia khám chữa bệnh hay giúp việc chuyên môn. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện có bác sĩ hoạt động “chui”, công ty An Thịnh đã xin cấp phép bổ sung cho 2 bác sĩ nói trên với nhiệm vụ là làm giúp việc chuyên môn cho các bác sĩ chính của phòng khám.

 

Bà Hà cũng cho biết, các cơ quan chức năng đã xác định, việc cấp phép của Sở Y tế đối với hoạt động của phòng khám Maria là hoàn toàn đúng quy định.

 

Trả lời báo chí về việc tại sao khi kiểm tra, phát hiện ra những sai phạm kéo dài, có hệ thống liên quan đến việc khám chữa bệnh, cũng chính là liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của người dân mà chỉ phạt tiền, không đình chỉ, tước giấy phép ngay, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, Thanh tra Sở đã thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 96/2011/NĐ-CP (những lỗi này không có hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động, tước giấy phép).

 

“Chúng tôi kiểm tra, phát hiện vi phạm nhưng phải làm theo đúng luật. Không thể cứ thích tước (giấy phép - PV) là tước được!” - ông Chánh thanh tra nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc họp.

 

Khi được hỏi về trách nhiệm liên quan đến cái chết của nạn nhân Phong, Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trách nhiệm đầu tiên là ở người đứng đầu và người chủ cơ sở khám chữa bệnh. Nhưng trách nhiệm như thế nào, đến đâu thì phải chờ kết quả của cơ quan điều tra. “Tuy nhiên, nói như thế không phải là ngành y tế đứng ngoài. “ – ông Nguyễn Việt Cường nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc