Quốc tế nghiên cứu chuyện “dạy vợ” ở Việt Nam

12:24, 18/12/2012
|

(VnMedia) - Theo Quyền Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA), bà Mandeep K.O’Brien, hành vi bạo lực của nam giới có nguyên nhân sâu sa từ các chuẩn mực giới và cách trẻ em trai được dạy dỗ trong xã hội, trong đó có quan niệm “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.

 

Ngày 17/12, Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo về nam tính và phân biệt đối xử giới. Phát biểu tại hội thảo, bà Mandeep K.O’Brien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng, hành vi bạo lực của nam giới ở Việt Nam có nguyên nhân sâu xa từ các chuẩn mực giới và cách nam giới và trẻ em trai được dạy dỗ trong xã hội. Vì vậy, cần phải hiểu được các quan niệm xã hội, hành vi và thái độ phổ biến của nam giới cũng như con đường hình thành những quan niệm, hành vi thái độ bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở về giới.

 

Nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hiệp quốc mong muốn tìm ra cách ngăn chặn bạo lực thông qua tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của bạo lực và những yếu tố trong cuộc đời nam giới có ảnh hưởng đến thái độ và hành vi bình đẳng cũng như bất bình đẳng” - bà Mandeep K.O’Brien nói.

 

Trong khuôn khổ nghiên cứu, báo cáo “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”: xu hướng, con đường hình thành lối sống bạo lực/phi bạo lực của nam giới Việt Nam được thực hiện dựa trên nghiên cứu về lịch sử đời sống được thực hiện tại hai địa bàn là TP Huế và huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Nghiên cứu được Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam và tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc tại Việt Nam chủ trì.

 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, bạo lực không phải là tất yếu mà hoàn toàn có thể thay đổi được.

 

Theo kết quả khảo sát, bạo lực thường được nhìn nhận như là một biện pháp kỷ luật để thiết lập và duy trì quyền lãnh đạo của nam giới, chủ yếu là trong gia đình.

 

Những câu trả lời phỏng vấn cũng cho thấy một thực tế, đó là mặc dù bạo lực thể chất nhìn chung đã bị lên án trong xã hội, tuy nhiên, bạo lực đối với vợ và con vẫn được cho là chính đáng, miễn là bạo lực này diễn ra trong bối cảnh riêng tư và chưa được nhận diện như là một vấn đề của cộng đồng.

 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, có nhiều cách diễn giải khác nhau về thế nào là một người đàn ông ở Việt Nam, và chính sự đa đạng về thái độ và thực hành liên quan đến nam tính là cơ hội để xây dựng các quan niệm phi bạo lực và bình đẳng hơn về giới trong nam giới.

 

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, thời thơ ấu là một phần quan trọng trong con đường nam giới đi tới các thực hành bạo lực hoặc phi bạo lực. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những thay đổi về kinh tế và xã hội đã ảnh hưởng tới các kỳ vọng về hình ảnh của một người đàn ông Việt, và nam giới đang gặp khó khăn trong việc xác định lại quan niệm nam tính của mình theo những kỳ vọng đang thay đổi.


 Ảnh minh họa

 Hội thảo công bố báo cáo về nam tính và phân biệt đối xử giới - ảnh: Tuệ Khanh


Dạy trẻ phi bạo lực

 

Qua các kết quả nghiên cứu, Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, các mối quan hệ, hoàn cảnh gia đình có vai trò quan trọng trong sự hình thành của các phương thức giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, cũng như tạo cơ hội, thực hiện quyền bình đẳng của trẻ em trai và trẻ em gái. Vì vậy, UNFPA khuyến khích các chương trình về áp dụng phương pháp dạy bảo con cái lành mạnh, đặc biệt chú trọng vai trò người cha trong việc giáo dục con cái, cũng như khuyến khích đối xử bình đẳng với con trai và con gái.

 

UNFPA cũng kết luận, trường học là môi trường chính thức trong đó các quan niệm về giới, giáo dục, cơ hội của trẻ em trai và em gái hình thành. Vì vậy, cần xây dựng các chương trình giáo dục cho cả học sinh nam và nữ trong trường học về mối quan hệ phi bạo lực, lành mạnh, bình đẳng giới, phối hợp với giáo viên, nhất là các thầy giáo, xây dựng các tấm gương tích cực, phi bạo lực để học sinh noi theo.

 

Do quan niệm của nam giới về bản lĩnh đàn ông được hình thành bởi cộng đồng và các chuẩn mực xã hội về vấn đề nam tính, cần huy động các lãnh đạo cộng đồng, tổ chức địa phương tham gia các hoạt động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực.

 

Cuối cùng, nghiên cứu khuyến nghị, cần nâng cao nhận thức về Luật phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình chính sách giáo dục quốc gia, chính sách về lao động, chính sách của cơ sở để nam giới tham gia bình đẳng vào cuộc sống gia đình cũng như tại nơi làm việc.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc