Cho nụ cười để nhận tin yêu

10:11, 13/04/2013
|

Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế trong toàn ngành. Việc làm này đang được dư luận xã hội đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng về sự thay đổi hình ảnh ngành y mà Bộ Y tế đang đặt quyết tâm thực hiện...

Làm sáng lên đạo đức người thầy thuốc

Tại buổi khai mạc lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các đơn vị y tế khu vực phía bắc cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, người thầy thuốc ở bất cứ đâu, xã hội nào cũng luôn được trọng thị, tôn vinh. Các thầy thuốc phải thuộc  lòng lời thề Hippocrates trước khi chính thức hành nghề. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các thầy thuốc Việt Nam cần xứng đáng với danh ngôn Lương y như từ mẫu và yêu cầu cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, tận tâm, tận lực phục vụ đầy tình thương yêu và trách nhiệm.

Trong những năm qua, ngành y tế đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế tận tụy phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) chưa thực sự quan tâm tới công tác giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, còn để xảy ra tình trạng cán bộ y tế có thái độ bất nhã với người bệnh gây bức xúc xã hội. Bộ Y tế thừa nhận, y đức đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là ở khối dịch vụ KCB. Dù có các khẩu hiệu như Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở, chăm sóc tận tình, bệnh nhân về, dặn dò chu đáo, nhưng tại một số đơn vị y tế vẫn có những cán bộ  ứng xử yếu kém văn hóa, đỉnh điểm là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, thậm chí thiếu trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. Bức xúc này đang diễn ra hàng ngày, làm xấu hình ảnh ngành y và cán bộ y tế trong mắt người bệnh; người dân nói chung không mấy thiện cảm với cán bộ y tế, ốm đau phải đến bệnh viện, gặp thầy thuốc như ác mộng.

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, năm 2013, Bộ Y tế triển khai tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế toàn ngành. Theo Bộ Y tế, việc tổ chức các lớp tập huấn là cụ thể hóa các Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế nhằm xây dựng môi trường làm việc thân thiện, văn hóa tại các đơn vị trong ngành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thái độ, lề lối làm việc công khai, minh bạch và xây dựng hành vi ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức y tế trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, củng cố niềm tin của người dân đối với ngành y tế.

Cần xây dựng chuẩn y đức thời nay…

Những nội dung tập huấn y đức của Bộ Y tế không có gì mới. Thực tế, trước đây cũng đã có những quy định về nội dung này. Năm 1996, Bộ Y tế đã ban hành Quy định về y đức, bao gồm các tiêu chuẩn như: không được phân biệt đối xử người bệnh, không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh...; năm 2008, Bộ Y tế lại ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, với những hướng dẫn ứng xử cụ thể như, tìm hiểu, nắm bắt diễn biến tâm lý người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; thương yêu người bệnh, coi người bệnh như người nhà của mình; lịch sự, hòa nhã, động viên, an ủi, tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh; cán bộ, viên chức y tế bị cấm có hành vi tiêu cực và những biểu hiện ban ơn, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn cho người bệnh, gia đình người bệnh...

Đặc biệt, những tiêu chuẩn y đức được quy định rất rõ trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhưng tại sao vấn đề y đức lại nổi cộm, gây bức xúc xã hội. Theo các chuyên gia, đó là trong cơ chế thị trường đã nảy sinh các mối quan hệ xã hội tương tác giữa người bệnh với người thầy thuốc có những điểm khác biệt chuẩn y đức truyền thống; đòi hỏi phải có cách nhìn nhận, đánh giá và các thực hành chuẩn y đức mới, phù hợp thực tiễn.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế Phạm Đức Mục, hiện nay vấn đề y đức đang được xã hội quan tâm, bản thân cán bộ y tế cũng phải chịu nhiều áp lực và nhiều thách thức. Hệ thống y tế, công tác KCB đang tồn tại hai hình thức: dịch vụ công và dịch vụ tư; y đức đang chịu thử thách của cơ chế thị trường, nên có lúc, có nơi nảy sinh những tiêu cực làm xấu hình ảnh người thầy thuốc, gây bức xúc dư luận. Đã xuất hiện một số sự việc chưa có tiền lệ như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung thầy thuốc, gây rối loạn trong bệnh viện…

Theo Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Trần Thanh Tâm, khó khăn cần tháo gỡ hiện nay là việc thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp các đơn vị chưa thực hiện triệt để. Công tác tuyên truyền yếu kém, có thể chúng ta làm trăm điều tốt nhưng chỉ vi phạm một lần thì tiếng xấu lại đeo đẳng và tạo dư luận không tốt trong xã hội từ đó làm phai nhạt thành quả đạt được cũng như hình ảnh người thầy thuốc.

Để thực hiện chuẩn y đức mới, nhiều chuyên gia cho rằng: cần xây dựng văn hóa bệnh viện, trong đó không chỉ người bệnh cảm ơn thầy thuốc mà thầy thuốc cũng phải biết cảm ơn người bệnh. Đồng thời, phải có nhận thức mới về vai trò của người bệnh - bệnh viện phải xác định, bệnh nhân là khách hàng và quy tắc đối với khách hàng thì cần có thái độ ứng xử nhã nhặn, phù hợp. Thực hiện tốt thái độ ứng xử với người bệnh cũng mang lợi ích cho bệnh viện, mỗi thầy thuốc nên hiểu việc ứng xử tốt với bệnh nhân là làm việc tốt, ân cần với bệnh nhân sẽ là liệu pháp giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh; cho đi nụ cười để nhận được tin yêu đối với thầy thuốc, đối với bệnh viện.

 Năm 2013, Bộ Y tế sẽ tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các đơn vị trong nghành trên toàn quốc; lớp đầu tiên tổ chức cho 20 bệnh viện thuộc Bộ, 33 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội; 13 bệnh viện thuộc Sở Y tế Bắc Ninh và 10 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nam.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc