Hà Nội: Mức phạt hành chính sẽ cao gấp 2 lần nơi khác

07:00, 01/07/2013
|

(VnMedia) - "Bắt đầu từ đầu tháng 7, cá nhân, tổ chức bị xử phạt, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; Mức phạt hành chính ở Thủ đô sẽ cao gấp 2 lần các nơi khác; Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư thêm 6 tháng… " - Đây là nội dung chinh của những văn bản luật  sẽ có hiệu lực từ hôm nay, 1/7.

Người bị phạt  hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Để phân định mức phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức vi phạm, phù hợp với tính chất vi phạm, một trong những nguyên tắc mới được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính là: đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. 
 
Về đối tượng xử lý vi phạm hành chính, luật quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra.
 
Người chưa đủ 14 tuổi vi phạm hành chính sẽ được nhắc nhở, giáo dục tại gia đình, có nghĩa là họ không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Cách xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính cũng có điểm mới. Cụ thể, đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, luật nhấn mạnh thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính...

Ngoai ra, luật quy định, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

 Ảnh minh họa

Từ 1/7, người bị xử phạt hành chính có quyền chứng minh minh không vi phạm. Ảnh: Vạn Xuân

Mức phạt hành chính ở Thủ đô cao gấp 2 lần mức tối đa ở nơi khác

Cũng từ 1/7, Luật Thủ đô với 4 chương, 27 điều quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô có hiệu lực.
 
Theo đó, để triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có hiệu quả, đồng thời nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Với việc cư trú: việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Ở nội thành, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được đăng ký thường trú:

1. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp như vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con. Hoặc người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ...

2. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

3. Trước đây đã đăng ký thường trú tại Hà Nội, nay trở về Hà Nội sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Riêng các trường hợp không thuộc những trường hợp nêu trên thì phải thỏa mãn các điều kiện: đã tạm trú liên tục tại nội thành từ ba năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Đặc biệt, luật cho phép, mức chế tài người vi phạm ở Thủ đô có khác so với nơi khác. Đơn cử, đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn hai lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định.

Bổ sung những quy định mới về phát hành xuất bản phẩm điện tử
 
Với 6 Chương, 54 Điều, Luật Xuất bản đã bổ sung 1 chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử (chương 5).
 
Theo đó, trên cơ sở kế thừa những quy định từ luật hiện hành, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã bổ sung những quy định mới về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay. Những quy định này phù hợp, thống nhất với các quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử của Việt Nam.
 
Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư thêm 6 tháng
 
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng (tăng 6 tháng so với quy định cũ). Bên cạnh đó, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng nhằm đảm bảo tổng thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề vẫn là 24 tháng.
 
Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư để nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của luật sư. Các hành vi được bổ sung gồm: Hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc