Tâm bão mạnh đã đổ thẳng vào Hội An

07:37, 15/10/2013
|

(VnMedia) - Suốt đêm qua và cho tới hiện tại, bão số 11 đã hoành hành từ Đà Nẵng đến Hội An, mạnh cấp 11- cấp 12. Sáng sớm nay, tâm bão đã vào thẳng Hội An và còn tiếp tục quần thảo trong vài giờ tới – ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết…


Ảnh minh họa

Hình ảnh đường đi của bão số 11


Do ảnh hưởng của bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh cấp 9; ở Khe Sanh (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 10; ở Thuận An (Thừa Thiên Huế) có gió giật mạnh cấp 9; Nam Đông (Huế) có gió giật mạnh cấp 9, ở TP Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 10; ở Hội An (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 11.
 
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 4 giờ sáng nay (15/10) khoảng 80 – 150mm, một số nơi có lượng lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 373mm, Nam Đông (Huế) 246mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 220mm.
 
Trao đổi với VnMedia, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 6 giờ sáng nay (15/10) vùng tâm bão đã đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam. Vị trí tâm bão nằm ngay trên thành phố Hội An. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
 
Tuy nhiên, theo ông Hải, trước khi tâm bão vào đất liền thì suốt đêm qua, bão mạnh cấp 11, cấp 12 và giật đến cấp 13-cấp 14 đã hoành hành suốt dải ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An. Cơn bão này mạnh ngang với cơn bão Xangsane 2006. Điều đặc biệt nguy hiểm là cơn bão số 11 kéo dài, quần thảo suốt đêm qua cho tới thời điểm hiện tại và chỉ có thể chấm dứt trong vài giờ tới, gần giống như cơn bão số 10 hoành hành kéo dài ở Quảng Bình. Vì vậy, thiệt hại chắc chắn sẽ rất lớn" - ông Hải lo ngại nói.
 
Trao đổi qua điện thoại với VnMedia, ông Trần Ngọc Chương (142 Lê Đình Dương) cho biết, toàn thành phố Đà Nẵng đã bị cắt điện từ chiều qua và cho đến hiện tại, người dân gần như không có thông tin gì về cơn bão. Tuy nhiên, suốt đêm qua, ông đã nghe thấy những tiếng gió rít rất kinh khủng, tiếng mái tôn rơi...".
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 06 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
 
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 10, giật cấp 11, cấp 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét, sóng biển cao từ 6 - 10 mét.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc