Không chấp nhận người hưởng hộ nghèo uống rượu, đánh bạc

06:37, 08/06/2014
|

(VnMedia) - Không thể để tồn tại tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời cờ bạc, rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con, bắt con bỏ học lao động kiếm tiền nuôi người nghèo còn sức khỏe ngồi nhà uống rượu và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo…

Ngày 7/6, Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Cần nâng chuẩn nghèo lên sát với thế giới

Theo đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp và địa bàn dân cư ngày càng lớn. Theo đó, hệ số nhà nghèo tăng đều, năm 2002 là 2,1 lần, năm 2006 là 8,4 lần, năm 2012 là 9,4 lần, chênh lệch về mức hưởng thụ các loại dịch vụ. Liên quan đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục giữa tầng lớp các địa bàn dân cư cũng ngày càng rộng ra, tạo sự bất công trong việc hưởng thụ phúc lợi xã hội.
 
Đại biểu Đà Nẵng cũng nêu lên một thực trạng đang tồn tại nhức nhối, đó là số hộ nghèo giảm nhưng số hộ cận nghèo tăng, trên thực tế theo tiêu chuẩn thì thoát nghèo nhưng thực chất vẫn là nghèo nên đã xảy ra hiện tượng có nhiều địa bàn, nhiều người dân sợ đưa vào diện thoát nghèo, mất khoảng trợ cấp xã hội. Nếu tính theo tiêu chuẩn nghèo của thế giới thì bộ phận lớn số hộ nghèo sẽ được xét vào diện nghèo tức là tỷ lệ nghèo sẽ cao hơn so với mức 9% hiện nay.
 
Theo đại biểu thành phố Đà Nẵng, cần có những chính sách, biện pháp hiệu quả hơn, đặc biệt là phải đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, không chạy theo thành tích về con số mà giảm nghèo.
 
Đồng tình với nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo, đại biểu Thân Đức Nam đề nghị quan tâm 4 nhóm chính sách, trong đó, gốc của vấn đề giảm nghèo bền vững và tạo ra việc làm ổn định cho người nghèo. Theo ông, cần khuyến khích phát triển doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nông nghiệp với quy mô phù hợp, bởi nếu duy trì mô hình kinh tế hộ với quy mô canh tác hiện nay thì không thể giảm nghèo bền vững và quan trọng là không thể đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất nông nghiệp.
 
“Chúng ta cần chấp nhận một quan điểm làm thuê và có việc làm thu nhập ổn định tốt hơn nhiều lần với một mảnh đất mà thu nhập bấp bênh, lợi tức không đủ sống.” – đại biểu Thân Đức Nam nêu ý kiến.
 
Về vấn đề giảm cách biệt giàu, đại biểu thành phố Đà Nẵng đề nghị sớm ban hành đạo luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện hàng năm chuyển khoảng nửa triệu lao động từ nông nghiệp sang ngành phi nông nghiệp. Đại biểu Thân Đức Nam cũng cho rằng, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
 
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Thân Đức Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho cũng cho rằng, nên nâng chuẩn nghèo lên để từng bước sát với tiêu chuẩn chuẩn nghèo quốc tế, để khi công bố rằng Việt Nam chỉ còn 15% hộ nghèo thì quốc tế cũng so sánh được chuẩn này tương đương với chuẩn chung.
 
“Còn nếu chúng ta đặt chuẩn nghèo khác nhau và bây giờ thành phố Hồ Chí Minh có một chuẩn nghèo cao hơn cả nước, Hà Nội có một chuẩn nghèo khác, các tỉnh, thành phố chuẩn nghèo khác thì việc đó cũng là vấn đề bất cập. Theo tôi, đề nghị Quốc hội chúng ta sẽ tiến tới chuẩn nghèo theo thông lệ quốc tế và có cân nhắc đến điều kiện của Việt Nam và Bộ Lao động sẽ phải xây dựng trong năm 2015 về chuẩn nghèo mới để áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất.

Ảnh minh họa

Đại biểu Ngô Thị Minh  - ảnh: Chinhphu.vn


Không để tình trạng người nghèo lười lao động

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho biết, cử tri mong muốn Chính phủ nên cho phân loại các hộ nghèo và người nghèo.
 
“Chính sách chỉ nên hỗ trợ thường xuyên với người nghèo và hộ nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng mà họ không thể thoát nghèo. Các trường hợp nghèo khác, chính sách của nhà nước cần hỗ trợ có thời hạn nhất định và kèm theo điều kiện cụ thể để người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành và phải vươn lên để thoát nghèo. Không thể để tồn tại tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời cờ bạc, rượu chè say xỉn, đánh đập vợ con, bắt con bỏ học bán vé số, lao động kiếm tiền để nuôi người nghèo còn sức khỏe ngồi nhà uống rượu và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo của nhà nước.” – đại biểu Ngô Thị Minh nói.
 
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh đoàn Quảng Ninh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích: Theo quan điểm nhân đạo là tất cả mọi đối tượng ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau. Nhưng đây là điều làm cho hiệu quả đầu tư về giảm nghèo giảm đi rất nhiều, thậm chí phản tác dụng.
 
“Một bà già gặp tôi lúc tôi làm Bí thư Tỉnh ủy nói rằng là "tao già như thế này mà ngày nào tao cũng lên nương để lao động sản xuất. Gia đình tao chỉ có hơn gia đình nó một tí thôi thì bảo là không được nghèo và tao không được bất kỳ một chế độ gì. Còn thằng kia nó trẻ như thế kia, suốt ngày đánh bi-a, suốt ngày nghiện hút thì cũng cho như nhau, con học không mất tiền, khám, chữa bệnh thì không mất, cho hết cái này, cho cái kia... thế là "chúng mày khuyến khích cho bọn lười nó không đi lao động". -  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể lại.
 
Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước. Phải thấy xấu hổ khi có điều kiện nhưng không vươn lên thoát nghèo, trừ trường hợp bệnh tật, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có công thì phải chăm lo. Còn những người sức dài vai rộng mà lười lao động thì dứt khoát phải có cách.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc