Tin tốt: 10 tấn vải đầu tiên đã sang Nhật Bản

21:20, 29/06/2014
|

(VnMedia) - Việt Nam đã tiếp nhận công nghệ bảo quản an toàn của Nhật và 10 tấn vải đầu tiên đã lên đường sang Nhật. Đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng... Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 29/6...

Khoa học công nghệ ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng có tính chất quyết định đối với một nền kinh tế hay mỗi gia đình. Những người nông dân, ngư dân vốn không quen với máy tính hay các phương tiện hiện đại cũng đang cảm nhận được sức ép ấy. Bởi lẽ nguồn thu nhập vốn đã ít ỏi của họ nay còn lại ít hơn do thiếu kiến thức về khoa học công nghệ và chưa được tiếp cận với các quy trình chế biến, bảo đảm tiên tiến.

Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 29/6, nhiều câu hỏi với tâm tư, nguyện vọng đau đáu về việc tiêu thụ sản phẩm nông, ngư nghiệp của người dân đã được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Khoa học Nguyễn Quân


- Câu hỏi đầu tiên gửi đến Bộ trưởng là của một ngư dân, nội dung như sau: "Tôi là một ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, cá của tôi bắt lên rõ ràng là rất ngon, tuy nhiên giá thành bán ra chỉ được bằng có 1/3,1/4 so với cá ngừ cùng loại của Nhật Bản. Tôi cũng đọc báo, nghe đài nói là do cách bảo quản chế biến hay đánh bắt gì đó của chúng tôi chưa chuẩn nên giá bán ra không được cao. Bộ trưởng có thể cho người tìm hiểu và chuyển giao công nghệ mới cho chúng tôi để cá chúng tôi đánh bắt sẽ được giá cao hơn không?" Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi mà chắc chắn hàng vạn ngư dân đang chờ được nghe.

Chúng tôi cũng chia sẻ với bà con về việc cá ngừ được đánh bắt nhưng giá bán rất thấp do chúng ta không có công nghệ bảo quản sau khi đánh bắt. Điều này xuất phát từ thực tế là chúng ta sản xuất còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có những tàu dịch vụ để giúp cho bà con ngư dân có thể bảo quản sơ bộ cá ngừ ngay sau khi đánh bắt, mà thời gian để đi từ ngoài đại dương về đất liền mất rất nhiều ngày. Nếu bảo quản bằng những phương pháp cổ điển thì khi về đến bờ cá đã bị mất phẩm chất rất nhiều và thường phải bán với giá chỉ bằng 1/3 hay 1/4 giá của cá tươi ngon.

Cách đây 2 năm, chúng tôi có tiếp nhận một công nghệ do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và bộ phận khoa học công nghệ của chúng tôi ở Nhật Bản chuyển về, đó là công nghệ bảo quản cá ngừ cũng như các loại thủy hải sản khác, có thể bảo quản lâu dài mà vẫn giữ nguyên được chất lượng như là vừa đánh bắt.

Tuy nhiên, chúng tôi đã thí nghiệm thành công với bảo quản cá ngừ, tôm sú, và một vài nông sản khác, nhưng để áp dụng thì còn phải tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản. Trước mắt, chúng tôi đã hợp tác với tỉnh Phú Yên xây dựng một nhà máy để bảo quản cá ngừ cho bà con ngư dân ở Phú Yên và Bình Định.

Tuy nhiên, chúng ta phải có quy trình chặt chẽ về thời gian để bảo quản sơ bộ từ khi đánh bắt xong cho đến khi đưa về nhà máy để chế biến. Như thế, phải có một doanh nghiệp hoặc có sự hỗ trợ của nhà nước đầu tư cho tàu dịch vụ như vậy. Đồng thời, hiện nay chúng tôi cũng đã được phía Nhật Bản hỗ trợ một công nghệ bảo quản sơ bộ đối với cá ngừ cũng như đang nghiên cứu việc làm đá lạnh từ nước biển để có nhiệt độ làm lạnh sâu hơn giúp cho bảo quản cá ngừ ở bước sơ chế tốt hơn.

- Còn đây là câu hỏi của một người dân trồng tỏi ở Quảng Ngãi: "Thưa Bộ trưởng, chúng tôi trồng được 1 cây tỏi nắng cháy da cháy thịt mà giá bán chỉ được có 30 đến 50 nghìn/kg. Nhưng tôi được biết chỉ với 1 quy trình công nghệ, người ta biến tỏi trắng thành tỏi đen, giá lên tới cả 5 triệu đồng/kg. Công nghệ gì mà hay thế, và Bộ trưởng có thể cho chúng tôi biết đó là công nghệ gì để chúng tôi có thể bán được giá thành cao hay không?"


Học viện Quân Y đã thành công trong việc chế biến tỏi trắng thành tỏi đen. Công nghệ cũng rất đơn giản, đó là công nghệ lên men, với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, nhưng giá trị được tăng lên rất nhiều lần, có thể hàng trăm lần.

Lý do mà hiện nay chúng ta chưa thể đưa vào đại trà được, một là tỏi nếu làm dưới dạng quy mô công nghiệp, làm nguồn dược liệu cho công nghiệp dược phẩm hoặc dùng cho các lĩnh vực công nghiệp khác thì phải có chất lượng tương đối đồng đều, và phải được trồng theo một quy trình khoa học, đảm bảo chất lượng, ví dụ như là giống phải đồng đều, bảo vệ thực vật phải an toàn…sau đó phải đầu tư hệ thống để chế biến.

Yếu tố thứ 2 là nền công nghiệp dược phẩm của Việt Nam hiện nay cũng chưa đủ năng lực để có thể tiêu thụ được một số lượng lớn, vì thế mà các doanh nghiệp cũng rất e ngại trong quá trình đầu tư.

Hiện nay Học viện Quân Y đã làm chủ được công nghệ này, nếu doanh nghiệp nào ở những vùng trồng tỏi mà có mong muốn xây dựng một dây chuyền bảo quản chế biến, phục vụ bà con nông dân thì chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng hợp tác với doanh nghiệp đó để đầu tư dây chuyền chế biến tỏi trắng thành tỏi đen.

- Câu hỏi của một số người nông dân trồng vải như sau: "Thưa Bộ trưởng, hôm trước tôi có nghe một bản tin tài chính kinh doanh và được biết 5 quả vải ở bên Nhật Bản được bàn với giá mấy trăm nghìn. Vậy mà cả 1 kg vải của chúng tôi bán ra ở đây chỉ có 7- 8 nghìn/kg. Bộ trưởng xem có cách nào giữ được vải tươi cho chúng tôi để mang sang Nhật bán được không? Vì chúng tôi chăm bón cả 1 vụ vải mấy tháng trời vất vả lắm nhưng mà cứ đến mùa lại lỗ, phải bán đổ bán tháo?". Bộ trưởng có cách nào giúp người dân trồng vải hay không?

Cách đây 3 năm, Bộ Khoa học Công nghệ đã hỗ trợ cho vùng vải thiều Lục Ngạn xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhờ đó giá bán đã cao hơn và bà con đã bớt phải bán đổ bán tháo quả vải khi vào mùa chín rộ. Tuy nhiên đấy vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Năm ngoái chúng tôi đã hợp tác với Nhật Bản nhập công nghệ về tế bào sống, công nghệ này đảm bảo những sản phẩm được bảo quản, sau thời gian rất dài, thậm chí hàng chục năm vẫn giữ được phẩm chất tươi nguyên như khi vừa được thu hái, vừa được sản xuất.

Đối với quả vải, chúng tôi đang đàm phán với phía Nhật Bản, bởi vì một loại quả của chúng ta muốn vào được thị trường của một nước phát triển phải qua rất nhiều công đoạn, phải được họ chấp nhận. Hiện nay chúng ta phải thí điểm đưa cho họ một sản phẩm mẫu, sau khi họ chấp nhận, thấy rằng có khả năng tiêu thụ lúc đó chúng ta mới có thể ký được hợp đồng. Nhưng ngay cả khi họ đã chấp nhận, việc đưa sản phẩm quả vải vào một nước có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao như Nhật Bản hoặc Châu Âu cũng là vấn đề không dễ dàng gì. Chắc chắn là người nông dân ở khu vực trồng vải của chúng ta sẽ phải có tổ chức sản xuất lại, gieo trồng, chăm bón cây vải theo một quy trình, trước mắt là VietGAP, về lâu dài là tiêu chuẩn GLOBAL (Quốc tế). Và khi đó quả vải mới có chất lượng đồng nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm nay, công-ten-nơ đầu tiên với 10 tấn vải thiều Lục Ngạn tuần tới sẽ lên đường sang Nhật Bản, và nếu được Nhật Bản chấp nhận thì năm sau chúng tôi sẽ giúp bà con nông dân tiêu thụ vải ở thị trường Nhật Bản.

Ảnh minh họa

Người trồng vải Việt Nam đang có hy vọng vào công nghệ mới từ Nhật Bản


- Một người nông dân trồng vải ở Hải Dương hỏi: "Thưa Bộ trưởng, lần trước, tôi đã nghe Bộ trưởng nói là đã đầu tư nhiều triệu đô la vào đề án bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp. Vậy đề án đó hiện nay tới đâu rồi?" Thưa Bộ trưởng, đó có phải là đề án mà Bộ trưởng vừa nói không?

Đúng như vậy. Nhưng xin đính chính lại là đề án đó không phải nhiều triệu đô la mà chưa đến một triệu đô la, bao gồm cả giai đoạn nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, đào tạo cán bộ và tiến hành các thí nghiệm ban đầu để làm chủ công nghệ của họ. Đến giai đoạn 2, giai đoạn 3 chúng ta sẽ nhận chuyển giao toàn bộ công nghệ. Hy vọng trong những năm tới, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ này và sẽ giúp cho bà con nông dân.

- Chính vị khán giả nói trên có một câu hỏi: "Nghe nói chính quyền ở quê tôi cũng đang làm đề án mua công nghệ chế biến sau thu hoạch bảo quản quả vải. Vậy đề án Trung ương có chồng chéo lên đề án địa phương không? Có ai quy hoạch không? Có lãng phí không? Và liệu có xảy ra tình trạng no dồn đói góp không?"

Chắn chắn là không có tình trạng đó, bởi vì tập đoàn ABI của Nhật Bản đã thỏa thuận Bộ Khoa học Công nghệ là đầu mối duy nhất để nhận chuyển giao công nghệ, từ đây chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, vì thế mà bất kể địa phương nào muốn sử dụng công nghệ này thì đều phải hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ. Và như thế sẽ không có tình trạng địa phương và trung ương cùng đầu tư thì bà con yên tâm là sẽ không có chuyện lãng phí.

- Một thính giả tên Hoàng Thịnh ở Đắc Lắc cho biết: Đề tài nghiên cứu công nghệ thiết kế và chế tạo máy sấy cà phê quả tươi đã được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi thanh lý đến nay đã là 2 năm bác Hoàng Thịnh vẫn chưa nhận được tiền với lý do là:”Quy định mới của Bộ Tài chính là tiền không chuyển qua tài khoản ngân hàng mà chỉ chuyển qua tài khoản kho bạc”.

Bộ trưởng có thể chưa biết việc này, nhưng nếu đúng như phản ánh của thính giả Hoàng Thịnh thì hành xử của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đúng hay sai, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả phần tiền còn lại cho bác Hoàng Thịnh? Xin mời Bộ trưởng trả lời.

Đúng là như bác Hoàng Thịnh nói, khi bác mở tài khoản ở ngân hàng, theo quy định của Bộ Tài chính thì tiền sự nghiệp khoa học không thể chuyển qua tài khoản ngân hàng mà phải chuyển qua tài khoản Kho bạc nhà nước ở địa phương để họ có thể quản lý được. Và sau khi bác Hoàng Thịnh mở được ở kho bạc được thông báo là chưa có tiền. Điều này cũng phản ánh một thực tế hiện nay là cơ chế tài chính của chúng ta dành cho khoa học công nghệ vẫn còn nhiều điều bất hợp lý.

Ví dụ chúng ta đã đưa ra Quỹ phát triển công nghệ Quốc gia, về mặt lý mà nói thì tiền phải được cấp vào quỹ, và quỹ sẽ tài trợ cho các đề tài dự án, như vậy là tiền chờ đề tài. Nhưng mà trên thực tế trong mấy năm vừa rồi, chưa năm nào quỹ nhận được kinh phí đúng như là tính chất của quỹ, năm sau mới được nhận tiền hỗ trợ của năm trước. Vì thế ở thời điểm bác Thịnh mở tài khoản ở kho bạc rồi thì quỹ chưa được cấp vốn, đó là năm 2012, ở thời điểm ấy thì tiền năm 2012 chưa được cấp cho nên đến 2013 quỹ mới được cấp vốn và sau đó quỹ mới thanh toán được cho bác Thịnh. Chúng tôi sẽ kiểm tra việc này, tuy nhiên tôi tin tưởng là bác Thịnh đã nhận được tiền bởi vì kinh phí năm 2013 đã được cấp vào quỹ và quỹ đã thanh toán hết các nợ nần cho các đề tài dự án các năm trước.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc