Vụ mua bán trẻ sơ sinh ở chùa Bồ Đề: Đáng sợ quan điểm “được sống là may rồi”

05:49, 08/08/2014
|

(VnMedia) - Trong khi dư luận đang sục sôi vì những gì mà trẻ bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề phải chịu đựng như điều kiện sống không được đảm bảo và nhất là bị đem buôn bán, thì có những người lại cho rằng những đứa trẻ đó “được sống đã là may lắm rồi”. Đây là một quan điểm cực kỳ thiếu nhân đạo và cần phải lên án mạnh mẽ.
 
Sự phẫn nộ
 
Những ngày vừa qua, dư luận người dân hết sức bất ngờ trước vụ cơ quan điều tra phát hiện và bắt giam bảo mẫu chùa Bồ Đề do liên quan đến vụ mua bán trẻ em. Trước đó, do e ngại chùa là chốn linh thiêng nên nhiều người dù mắt thấy tai nghe những điều ngang trái cũng đành im lặng hoặc chỉ rỉ tai nhau, hoặc tránh không đến chùa này làm từ thiện. Nhưng lần này, sau khi cơ quan điều tra chính thức lên tiếng, hàng loạt thông tin về điều kiện sống tồi tệ của trẻ em ở chùa Bồ Đề đã bị các nhà báo, người dân xung quanh chùa và đặc biệt là những nhà hảo tâm đã từng đến làm từ thiện tại chùa chứng kiến, đưa ra công luận.
 
Theo thông tin từ chính nhà báo Thu Trang, người đã dày công và dũng cảm điều tra góp phần đưa vụ việc ra ánh sáng, thì những đứa trẻ ở chùa này chỉ được chi 1000 đồng cho… một bữa ăn - một mức chi mà không ai có thể tưởng tượng nổi. Trong khi đó, nhiều người từng chứng kiến cũng “tố” rằng, tiền và vật chất mà họ mang đến ủng hộ cho các con đã bị sử dụng không đúng mục đích… Đặc biệt, mọi sự phẫn nộ đều đổ dồn vào việc các bé bị đối xử thiếu nhân đạo, thiếu tình thương.

Ảnh minh họa

Một đứa trẻ cố gắng vét vội chút gì đó còn sót lại trong chiếc hộp rỗng tại sân nhà mở chùa Bồ Đề


Dù đó là những thông tin chưa được kiểm chứng, còn chờ kết luận thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là có những ý kiến lại cho rằng không nên chỉ trích việc nhà chùa nuôi dạy các con trong điều kiện không tốt, bởi “được sống đã là may mắn lắm rồi!”. Những ý kiến này đều có chung một quan điểm, rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ mồ côi đáng thương đó, nếu không có nhà chùa cưu mang thì đã… chết rồi. Do vậy, đối với họ, việc những đứa trẻ bị đối xử tàn tệ, bị ăn đói mặc rách, bị chửi mắng, đánh đập, thậm chí bị đem đi mua bán như những món hàng vẫn còn là… may chán.
 
Đây chính là những quan niệm cực kỳ vô nhân đạo và hoàn toàn sai lầm, bởi cho dù là một đứa trẻ vô thừa nhận thì chúng vẫn là những con người, phải được đối xử như những con người. Đó là điều mà nếu nhà chùa không làm thì xã hội này phải làm; nhà nước, chính quyền địa phương phải làm. Chúng ta không phủ nhận công lao và tấm lòng từ bi của một số nhà chùa, nhà mở, của những người dù không phải là tổ chức “chính quy” nhưng đã dang tay ra cưu mang những số phận hẩm hiu. Nhưng cũng không vì thế mà đồng lòng với quan điểm “được sống là may lắm rồi”, để rồi thờ ơ trước cảnh sống cơ cực của những đứa trẻ.
 
“Các con sinh ra đã bị cha mẹ ruồng bỏ, nhưng không vì thế mà các con một lần nữa bị xã hội quên lãng sự tồn tại. Các con có quyền được sống, được yêu thương. Ngôi chùa đã đón nhận các con về nuôi dưỡng, đồng thời cũng đã nhận sự giúp đỡ về vật chất của biết bao tổ chức, cá nhân, đoàn thể thì nơi nhận phải có trách nhiệm cho con hưởng cuộc sống xứng đáng với những gì xã hội bù đắp cho hoàn cảnh thiệt thòi đó.” Bạn Rabecca Nguyen viết.

Ảnh minh họa

Các con có quyền được sống, được yêu thương


Nhà mở ở chùa Bồ Đề chỉ là một trong rất nhiều nhà mở, trung tâm bảo trợ xã hội. Có thể lúc đầu những nhà chùa, nhà mở đó đều có tâm nguyện thực sự muốn cưu mang những phận đời kém may mắn, nhưng rồi, chính những quan niệm “được sống đã là may lắm rồi”, “nếu không có nhà chùa cứu giúp thì có lẽ đã… chết” đó khiến cho một số người, lẽ ra phải dùng tấm lòng bồ tát để thương yêu, chăm sóc các em thì lại nuôi nấng các em theo kiểu bố thí.
 
Đáng trách hơn, họ còn lợi dụng các em để trục lợi cho bản thân. Bao nhiêu tấm lòng của các nhà hảo tâm gửi gắm, mong muốn họ thay mặt chăm sóc các em, cuối cùng có thể đã bị lừa dối. Và khi sự việc được phanh phui, lại vẫn có những người bênh vực với quan điểm “được sống đã là may lắm rồi”.
 
“Không phải vô ơn, nhưng rõ ràng, nếu người ta không nghe tiếng tốt, không tin tưởng rằng chùa Bồ Đề là nơi có thể yên tâm gửi gắm những đứa trẻ mà người sinh ra nó không thể nuôi dưỡng được, hay không còn người thân để chăm sóc, thì sẽ chẳng ai mang chúng đến bỏ đứa trẻ ở ngôi chùa đó. Và, người ta sẽ phải tìm một nơi nào khác, có thể cũng lại là một ngôi chùa, để gửi gắm.” - một độc giả viết.
 
Nếu không có các sư thì các bé sẽ bị bỏ rơi như thế nào? Liệu có nơi nào tốt hơn cho các bé không? Đây là một câu hỏi không phải là không có lý mà câu trả lời thuộc về các cấp chính quyền, và cả xã hội nói chung. Tuy nhiên, vẫn xin nhắc lại, dù thế nào thì cũng không được phép nghĩ rằng, những đứa trẻ - cũng là những con người đó “được sống đã là may lắm rồi”.


Tuệ Khanh - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc