Cảnh báo mưa lớn, lũ quét sau bão

10:14, 17/09/2014
|

(VnMedia) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ tối ngày 16/9 ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 20 – 40mm, riêng đảo Cô Tô 111mm, Bản Chắt 83mm, Vũ Oai 89mm.

 

Từ 19h ngày 16/9 đến 7h sáng nay 17/9, khu vực Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40 - 50mm; riêng các tỉnh ven biển và khu vực Đông Bắc bộ có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-80mm. Lượng mưa lớn nhất đo được tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 262mm, tiếp đến là Bãi Cháy (Quảng Ninh) 157mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 155mm…

 

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, ở Bắc Bộ sẽ vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Sự báo, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 9, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 6 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2 (31m), sông Lô tại Tuyên Quang lên trên mức báo động 1 (22m) ; sông Lục Nam tại Lục Nam lên trên mức báo động 2 (5,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức dưới báo động 2 (5,3m).

 

Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, đặc biệt ở các huyện như: Bình Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên; các nhánh suối thượng nguồn sông Kỳ Cùng thuộc huyện Đình Lập, huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sapa (tỉnh Lào Cai), Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên, Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).

 

Đặc biệt, cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

 

Hà Nội thoát ngập, nhiều cây xanh bị đổ gẫy

 

Mỗi khi có bão, người Hà Nội lại lo nhất là tình trạng ngập lụt. Còn đối với cơn bão số 3 này (được dự báo sẽ có mưa lớn tại Hà Nội), Phó Tổng Giám đốc Công ty thoát nước đô thị Phan Hoài Minh cho biết, Công ty đã bố trí lực lượng ứng trực theo kế hoạch và tại từng thời điểm diễn biến của bão (theo thông báo của Đài Khí tượng thủy văn) như: Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công; Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước; Chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương; Đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc thiết bị trong tình trạng sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước; Rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy trên các mương Liễu Giai, Đại Yên, Thụy Khuê, Vĩnh Tuy, Mai Động, Tây Sơn….

 

Đồng thời, trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống đến cao trình quy định.


Ảnh minh họa

Đêm qua, bão số 3 đã làm nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội bị gẫy, đổ - ảnh: Tuệ Khanh

 

Do ảnh hưởng của bão từ hồi 19h00 ngày 16/09/2014 đến sáng 17/09/2014, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra mưa. Tổng lượng mưa tính đến thời điểm 6h00 ngày 17/09/2014tại các điểm đo của Công ty là Vân Hồ 91mm, Hồ Tây A 76mm, Trúc Bạch 76mm, Hoàn Kiếm 88mm, Xuân Đỉnh 70mm, Yên Sở 73mm, Thanh Liệt 76mm, Hầm chui TT HNQG là 76mm, Đông Anh 72mm, Long Biên 70mm.

 

“Trong thời gian xảy ra mưa do ảnh hưởng của của bão, công tác thoát nước bình thường. Tại một số vị trí đã xảy ra đọng nước nhỏ như phố Phạm Văn Đồng, Hoàng Mai, Thanh Đàm, Vĩnh Hưng (khu vực đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa hoặc không có hệ thống thoát nước) với mức độ 0,1m. Giao thông tại các vị trí này hoạt động bình thường.” - ông Minh cho biết.

 

Cũng theo ông Minh, ngay từ khi xảy ra mưa, lực lượng ứng trực tại hiện trường đã thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy. Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.

 

Hiện nay mưa vẫn tiếp tục diễn ra, Công ty vẫn bố trí công tác ứng trực và vận hành các trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống chủ động đối phó với trận mưa tiếp theo.

 

Trong khi đó, trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đêm qua, ảnh hưởng của bão số 3 đã gây gãy đổ khá nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố. Ngay trong đêm, dù mưa to gió lớn nhưng lực lượng chức năng vẫn thực hiện xử lý hàng chục trường hợp cây gẫy đổ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 20 trường hợp cây đổ và 20 trường hợp gẫy cành được xử lý xong. “Công ty vẫn tiếp tục nhận được tin báo từ người dân về các trường hợp cây gẫy đổ và sẽ khẩn trương xử lý” - ông Hưng cho biết trong khi vẫn đang trực tiếp chỉ đạo xử lý trường hợp cây si bên bờ hồ Hoàn Kiếm bị đổ do bão.

 

Thông tin thiệt hại:

Tại Quảng Ninh: Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Tỉnh, thiệt hại ban đầu do bão số 3 tính đến 22h ngày 16/9 gồm: có 05 nhà bị tốc mái (Móng Cái 02, Đầm Hà 03), 03 bè cá bị chìm (Vân Đồn), nhiều cây và một số cột điện hạ thế tại thành phố Móng Cái bị đổ; gần 5.000ha lúa Mùa bị đổ.

 

Tại Hải Phòng: Thông tin qua điện thoại trực ban PCLB, tàu cá NA9968 neo tránh bão ở đảo Cát Bà bị đứt dây neo. Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã tiếp cận đưa người bị thương đi cấp cứu và lai dắt tàu bị nạn về bờ.

 

Tại Nam Định: Thông tin qua điện thoại trực ban PCLB, đêm 16/9 mưa lớn gây ngập nhiều khu vực tại thành phố Nam Định.

 

Tại các tỉnh vùng đồng bằng nhiều diện tích lúa bị ngã đổ, tuy nhiên, do chủ động việc tiêu nước đệm nên tình hìnhngập úng đã được hạn chế.

 

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, thống kê thiệt hại do mưa, bão.



Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc