Mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội

20:01, 23/10/2014
|

(VnMedia) - Tham gia đóng góp cho dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình việc mở rộng đối tượng đóng BHXH tới các cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc đóng BHXH với đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng là khó khả thi.

>> Cần gấp rút xây dựng Luật trưng cầu dân ý

Sáng 23/10, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội đã có thảo luận về một số nội dung liên quan tới dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Khó khả thi đóng BHXH cho đối tượng lao động thời gian từ 1 đến dưới 3 tháng

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu, với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc. Việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết, nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.

Tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cho rằng Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã tiếp thu một cách cơ bản và cơ bản khắc phục những vướng mắc, bất hợp lý của Luật BHXH năm 2006. Nhất là đã định hướng được điểm rất quan trọng trong vấn đề mở rộng đối tượng đóng BHXH và hướng BHXH toàn dân trong thời gian tới. Dự thảo luật lần này cũng đã bảo đảm được nguyên tắc quan trọng đóng/hưởng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia hợp đồng lao động đóng bảo hiểm như tiếp thu giải trình của UBTVQH. Đây là mục tiêu quan trọng mà luật cần hướng tới và các đối tượng mở rộng đưa ra như thế là hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, để đảm bảo tính khả thi trong Điểm b của Điều 2, thì cần bổ sung: Sau khi hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mà tiếp tục hợp đồng thì sau đó mới phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.

"Nếu chúng ta chỉ quy định hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mới đóng bảo hiểm thì không khả thi vì từ lúc lập danh sách, làm thủ tục rồi tìm cơ quan bảo hiểm đã hết thời gian rồi. Nhưng bản chất của vấn đề này là luật ta lại quy định hợp đồng trên 3 tháng thì mới đóng bảo hiểm, nên các cơ quan sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước lại lách luật là chỉ ký hợp đồng có 3 tháng. Chính vì thế trong quy định lần này chúng ta nên có là hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng, sau khi chấm dứt hợp đồng và hợp đồng tiếp thì phải tham gia đóng bảo hiểm, như thế mới thực thi khi luật ban hành và đi vào cuộc sống. Có thể từ tháng 1 đến tháng 3 không đóng bảo hiểm vì đây là thời gian thử việc giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng tiếp đó chúng ta phải quy định đóng bảo hiểm để tránh lách luật, như luật cũ hiện nay là chưa hợp lý", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Mở rộng đối tượng đóng BHXH tới cán bộ bán chuyên trách cấp xã

Một số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm với các cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn… Đây cũng chính là sự ghi nhận đóng góp của các cán bộ cấp xã phường hiện nay trong điều kiện ngân sách tiền lương cũng chưa đủ trả, do đó nên mở rộng đối tượng này.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa



Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), đa số những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã có thời gian làm việc tương đối ổn định ở cấp xã và đều có mong muốn tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thực tế những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm nhiệm rất nhiều các công việc khác nhau, như tiếp nhận hồ sơ, làm văn bản, báo cáo…cho đến tham gia giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trên địa bàn. Cấp xã là nơi trực tiếp triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua thực tiễn có thể khẳng định được rằng, trong việc đảm bảo trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có sự đóng góp không nhỏ của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã .

Mặt khác, theo đại biểu Hằng, họ là những người làm việc cho Nhà nước ở cấp xã và được các cấp có thẩm quyền công nhận chức danh. Tuy rằng, không được hưởng toàn bộ chính sách như đối với cán bộ chuyên trách cấp xã, nhưng chế độ chính sách của Nhà nước đối với họ còn thấp.

Đại biểu Hằng nêu cụ thể: Tổng mức phụ cấp hàng tháng theo chức danh ở địa phương, hiện nay cao nhất là 1,86 và trong suốt quá trình làm việc không được tăng lương.

“Với mức phụ cấp như vậy, mà lại không được hỗ trợ tham gia BHXH bắt buộc thì khó có thể động viên sự toàn tâm, toàn ý với công việc . Đây là một trong những bất cập về hệ thống chính sách, dẫn đến việc bố trí, đào tạo cán bộ còn gặp nhiều khó khăn, không thu hút được những người trẻ có trình độ , năng lực về công tác và gắn bó lâu dài với vị trí hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Nếu được tham gia BHXH bắt buộc cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ góp phần thu hút được những người trẻ, có năng lực về công tác và gắn bó với cấp xã và đồng thời cũng góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, làm tăng nguồn thu ổn định trong quỹ BHXH…”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Hằng, cùng với chính sách liên thông với BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, sẽ đảm bảo cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã có thể tham gia BHXH liên tục, đến khi đủ điều kiện nhận lương hưu….

Đồng quan điểm với đại biểu Hằng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu: Nếu cho rằng đội ngũ làm việc không chuyên trách cấp xã không có thời gian làm việc cố định nên chỉ hưởng phụ cấp công việc là không phù hợp thực tế. Tại cơ sở, các cán bộ không chuyên trách làm như các công chức cả về thời gian và công việc. Ngoài việc làm trọn ngày, trọn tháng theo quy định, thậm chí theo yêu cầu công việc các cán bộ không chuyên trách còn làm việc cả ngày nghỉ và ngày lễ. Sự tích cực của đội ngũ này đã được ghi nhận và cấp xã đã nhiều lần kiến nghị cho phép đội ngũ này được hưởng chế độ chính sách đầy đủ trong đó có chế độ BHXH bắt buộc. Hiện nay có nhiều cán bộ không chuyên trách cấp xã có quá trình làm việc lâu dài, nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không có chế độ gì nên đã dẫn đến tâm lý không an tâm công tác.

Về mức hỗ trợ, một số đại biểu cho rằng, tùy theo mức độ khả năng cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ 2 đến 10%; nếu hỗ trợ 5% thì đối tượng này có thể hưởng 2 mức là hưu trí và bảo hiểm y tế, hoặc hưởng thêm các mức khác trong quy định thang lương của BHXH. Đây cũng là chính 1 vấn đề thuộc về chính sách an sinh xã hội làm giảm bớt gánh nặng xã hội khi đối tượng này về tuổi già.

Liên quan đến BHXH với lực lượng vũ trang (LLVT), đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi trả lương hưu cho LLVT mà không nên chi từ quỹ chung.

Đại biểu Phúc nêu lý do: Đối tượng LLVT nghỉ hưu không theo Luật lao động mà theo quy định của ngành. Bên cạnh đó thang, bảng lương của LLVT cũng cao hơn người lao động các ngành nghề và thời gian hưởng lương hưu dài. Do đó, nếu lấy từ Quỹ BHXH là không phù hợp, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng lao động các ngành nghề khác.


Đinh Bách - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc