Hà Nội chất vấn về chất lượng nhà tái định cư

08:23, 28/11/2014
|

(VnMedia) - Trong khi công tác bảo trì của các tòa nhà hiện nay theo quy định thì do các Ban quản trị của các tòa nhà chịu trách nhiệm, nhưng đến nay, việc thành lập các Ban quản trị này vẫn dẫm chân tại chỗ, với con số 11 Ban quản trị trên tổng số 155 nhà tái định cư…
 
Chất lượng nhà tái định cư kém (thấm dột, thang máy hư hỏng…), hạ tầng xã hội chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ… là một trong những kiến nghị của cử tri Hà Nội đến HĐND Thành phố trước Kỳ họp thứ 11, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 2/12 tới đây.
 
2 năm, thành lập được… 11 Ban quản trị

Ngày 4/1/2013, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 1/2013/QĐ-UBND về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay sau 2 năm, trong tổng số 155 tòa nhà tái định cư trên địa bàn toàn thành phố mới, mới hoàn thành, thành lập được… 11 ban quản trị tại 12 tòa nhà chung cư tái định cư.
 
Chính vì thế mà đối với các khu tái định cư tập trung như: Khu Nam Trung Yên, khu 5,3 ha quận Cầu Giấy, khu Đền Lừ … công tác quản lý, vận hành khai thác còn chưa được tốt, như hạ tầng kỹ thuật một số khu chưa hoàn thiện (như khu Nam Trung Yên, Đồng Tầu, Đền Lừ II) dẫn đến một số khu hệ thống giao thông chưa tốt (đường, hè đường còn lún, sụt, mất lắp hố ga ..) hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước… còn một số trục trặc gây bức xúc cho các hộ dân đến ở tái định cư.
 
Thành phố cũng thừa nhận, các công trình hạ tầng xã hội của một số khu còn chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ.
 
Ngoài ra, đối với công tác vận hành khai thác của tòa nhà một số khu nhà ở chung cư tái định cư cũng còn chưa tốt, với thực tế là diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng còn thiếu, thang máy còn trục trặc, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường của một số tòa nhà còn chư đảm bảo (như nhà N6 khu Pháp Vân Tứ Hiệp, một số nhà tại khu Đền Lừ, khu Nam Trung Yên, Khu 5,3 ha Dịch Vọng..)
 
Cùng với đó, việc sửa chữa, bảo hành của các chủ đầu tư còn chậm, việc bảo hành của các Chủ đầu tư xây nhà tái định cư và việc bảo trì của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội còn chưa kịp thời dẫn đến một số bức xúc cho các hộ dân tái định cư.

Ảnh minh họa

Chất lượng sống tại các khu nhà tái định cư của Hà Nội rất thấp, một phần do không thành lập được Ban Quản trị nhà


Cái gì cũng chậm và chưa tốt
 
Đánh giá về nguyên nhân, UBND Thành phố cho rằng, quy định về quản lý vận hành khai thác các nhà chung cư tái định cư còn nhiều bất cập, chưa có quy định riêng cho loại hình nhà này. Trong khi đó, các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn còn bất cập như: trách nhiệm quyền hạn của Chủ đầu tư, cơ quan quản lý, ban quản trị tòa nhà…

Về nguyên nhân chủ quan, UBND Thành phố phân tích, theo quy định tại Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 5/7/2011 về quy chế bàn giao tiếp nhận quản lý công trình nhà ở, căn hộ và các hạng mục công trình xây dựng phụ trợ thuộc các nhà chung cư phục vụ công tác tái định cư trên địa bàn Thành phố. Trong đó quy định các hạng mục thuộc công trình nhà ở bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để tổ chức quản lý, vận hành khai thác, còn các hạng mục phụ trợ như cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông, chiếu sáng ngoài nhà … bàn giao cho các cơ quan chuyên quản để quản lý theo quy định.
 
Tuy nhiên, công tác bảo hành tòa nhà tái định cư theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Nhà ở của các chủ đầu tư còn chậm, trong giai đoạn bảo hành phát sinh những hư hỏng, trục trặc kỹ thuật Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề nghị các Chủ đầu tư xây dựng để tiến hành bảo hành công trình theo quy định, tuy nhiên thủ tục còn rườm rà, chưa kịp thời.
 
Đặc biệt, công tác bảo trì của các tòa nhà hiện nay theo quy định thì do các Ban quản trị của các tòa nhà, tuy nhiên hầu như các tòa nhà chưa có ban quản trị, do vậy công việc này vẫn chủ yếu do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện.
 
“Công ty vấn phải ứng vốn để sửa chưa cho các nhu cầu cấp bách, đồng thời phải có kế hoạch từng năm để bảo trì theo quy định.” – UBND Thành phố cho biết.
 
Thành phố cũng thừa nhận, sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý hạ tầng, quản lý chuyên ngành và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có lúc còn chưa tốt. Công tác sửa chữa các công trình hư hỏng xuống cấp có lúc còn chưa kịp thời do thủ tục trình tự để được sửa chữa còn nhiều phức tạp dẫn đến việc tiến hành sửa chữa còn chậm, gây bức xúc cho các hộ dân.
 
Trong khi đó, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương các quận, huyện, phường xã với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội còn chư tốt, các hộ dân còn vướng nhiều thủ tục để được cấp GCNQSĐ và quyền sở hữu nhà ở, đăng ký hộ khẩu, chưa thành lập được ban quản trị các tòa nhà để thực hiện công tác bảo trì công trình theo quy định.
 
Kinh phí duy tu, bảo trì sửa chữa theo quy định dành 2% tổng số tiền của công trình nhà ở để sửa chữa, tuy nhiên trước đây nguồn này chưa có. Hiện nay tại các tòa nhà đã có các tài khoản để chuyển tiền này về, việc sử dụng phải do Ban quản trị thực hiện, tuy nhiên ban quản trị còn rất ít, chưa thành lập, việc sử dụng phải xin ý kiến tổ dân phố lên rất phức tạp và còn nhiều vướng mắc…
 
Trước những bất cập nói trên, trước mắt, đối với các hư hỏng xuống cấp, Thành phố cho biết sẽ giao Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội ứng vốn tổ chức sửa chữa ngay đảm bảo điều kiện ăn ở sinh hoạt của các hộ gia đình, đồng thời cũng giao Công ty tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa định kỳ các hư hỏng xuống cấp của các khu nhà ở tái định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức sửa chữa bảo trì theo quy định.
 
Thành phố yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chấn chỉnh công tác quản lý, vận hành khai thác đảm bảo ổn định đời sông cho các hộ dân tái định cư.
 
Đối với các khu tái định cư tập trung như: Khu Nam Trung Yên, khu 5,3 ha quận Cầu Giấy, khu Đền Lừ… Thành phố đã giao các đơn vị chuyên ngành sử chữa, đến nay cơ bản đã hoàn chỉnh. Các công trình hạ tầng xã hội của một số khu còn chưa đáp ứng yêu cầu, Thành phố giao các đơn vị tham mưu trình Thành phố các giải pháp để tháo gỡ.
 
Giao Chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ A đến Z
 
Về các biện pháp lâu dài, Thành phố cho biết đã giao các Sở ngành để hoàn thiện quy chế quản lý vận hành, khai thác nhà ở, khu đô thị theo nguyên tắc chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ khâu đầu tư đến vận hành khai thác, trong đó có quỹ nhà ở tái định cư.
 
Về công tác quản lý vận hành khai thác, Thành phố cũng đã thực hiện thí điểm mô hình quản lý tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, tổng kết, đánh giá mô hình hiệu quả để tiếp tục nhân rộng tổ chức thực hiện. Đồng thời Thành phố cũng thí điểm giao Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội tiếp nhận khu tái định cư Nam Trung Yên từ Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để tổ chức vận hành khai thác, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về ăn ở sinh hoạt cho các hộ dân đến ở tái định cư.
 
UBND Thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phối hợp với các quận, huyện có các khu nhà ở cao tầng tái định cư để thành lập Ban quản trị của các tòa nhà theo quy định cử Luật Nhà ở.
 
Thành phố cũng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở ngành, quận huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tổ chức rà soát các các diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 để bố trí đảm bảo mỗi tòa nhà có một diện tích sinh hoạt công đồng, ưu tiên bố trí diện tích để là nhà trẻ, các dịch vụ thiết yếu phục vụ tờ nhà đẩm bảo phục vụ tốt cho các hộ dân đên ở tái định cư.
 
Đối với quỹ 2% bảo hành bảo trì các tòa nhà chung cư tái định cư, UBND Thành phố đã giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng cùng các Sở ngành, Công ty đề xuất việc quản lý sử dụng để tổ chức thực hiện theo quy định.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc