Thư giãn cuối tuần với tour tham quan Làng nghề truyền thống Huế

07:54, 11/12/2016
|

(VnMedia)- Khi đến Huế, bên cạnh việc thăm quan kinh thành, lăng tẩm hay nhà vườn Huế, một nơi bạn không nên bỏ qua chính là thăm quan làng nghề Huế.

Đan lát Bao La

Bao La là một làng quê nổi tiếng với nghề đan lát sản phẩm tre, chế tác đồ dân dụng trong nhà như thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nong, nia…Làng chính nay ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền ven bờ Bắc trung lưu sông Bồ. Từ thời chúa Nguyễn thêm một phường Bao La mới lại phát sinh, nay là thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, nằm ven bờ Nam phá Tam Giang. Do cùng nguồn gốc, nên cả hai nơi đều có nghề đan lát sản phẩm tre.

Sản phẩm của làng là những chiếc rá vo gạo, đến loại rổ rửa rau, đựng cá đến các loại giần sàng của nghề xay xát, nong nia để phơi phong nông sản, thủy sản cũng như chiếc nôi trẻ con, chiếc giường, cái chõng, với kỹ thuật đan lát khéo léo và giá cả thích hợp với túi tiền kiệm ước của nhân dân.

Đây là một nghề phụ thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình thôn xóm. Người khỏe mạnh tìm mua, đốn vác tre, kết bè đưa về làng. Người già cưa tre, chẻ nan, vót lạt, trẻ em đan lát, phụ nữ gánh sản phẩm tỏa đi khắp các chợ ở làng quê, thị trấn.

Trong định hướng khôi phục ngành nghề truyền thống, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát các sản phẩm mới, thích hợp với nhu cầu thị hiếu xã hội như lẵng đơm hoa, lẵng trang trí, các loại giá treo đèn trang trí…Dân nghề đan lát Bao La đang nỗ lực tiếp cận kỹ thuật mới, để làm cho làng nghề tiếp tục phát triển.

Làng đúc đồng Dương Xuân

Làng Dương Xuân ở ngay hữu ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố về phía tây chừng 4 cây số, hầu hết dân làng làm nghề đúc đồng, nên từ lâu quen gọi là phường Đúc (hay phường Thợ Đúc).

Chỉ kể những vật phẩm nghệ thuật lớn và có niên đại chắc chắn: Những chiếc vạc ở Đại Nội (1659- 1684), Khánh chùa Thiên Mụ (1677), chuông chùa Thiên Mụ (1710), Cửu vị thần công (1816), Cửu đỉnh (1835-1837), chuông chùa Diệu Đế (1846)…đủ thấy sự phát triển liên tục, đỉnh cao cả về kỷ thuật và nghệ thuật của phường Đúc. Các chùa ở Huế có rất nhiều tượng Phật bằng đồng với niên đại thuộc đầu thế kỷ XX. Và gần hơn, tượng chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu cao 4m, đúc năm 1974. Tất cả nói lên tài hoa của thợ phường Đúc đúc những tác phẩm nghệ thuật khó và lớn cần có sự chỉ đạo của những người thợ cả - nghệ sĩ bậc thầy, sự phối hợp chặt chẽ của hàng chục người làm ra và của hàng chục lò cùng nấu đồng.

Đồng Dương Xuân đã cống hiến cho vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế những công trình nghệ thuật sống mãi với thời gian, ngày nay đang được tổ chức lại, vẫn làm ra những sản phẩm dân dụng, tham gia vào guồng máy công nghiệp và đúc hàng nghệ thuật nữa.

Tranh làng Sình

Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế không xa, ở về phía hạ lưu sông Hương.

Dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay. Trước kia, hầu hết tranh thờ in ván bày bán ở hàng mã là do dân Sình làm, nên quen gọi là “tranh Sình”. Ngày nay phần lớn các gia đình đã chuyển vào thành phố, tại làng còn rất ít nhà tranh. Nhiều người làm đồ mã ở Huế đã thuê thợ theo mẫu tranh đã khắc ván để in bán, lại có người đưa sang in máy để kinh doanh, nên tranh Sình đích thực đang mai một.

Tranh Sình là tranh thờ, có các bộ. Tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, tranh lễ thành cúng cho người mang bầu, tranh cúng cho con nít…Tất cả chừng trên năm mươi tờ có đề tài khác nhau. Tất cả những tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ thần bí và linh dị, cuộc sống bị chi phối bởi nhiều tai họa nên con người hình dung thành các vị thần cần tranh thủ. Mọi người cúng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi.

Một số tranh thờ thực ra mang giá trị nghệ thuật, chẳng hạn như bộ Bát Âm. Bát Âm đúng ra gồm tám cô biểu diễn các đàn dịch khác nhau nhưng để đỡ ván in, người ta dùng 2 bộ 4 bức. Mỗi bức thực sự là bộ tranh Tố nữ Huế. Mỗi bức vẽ một cô đứng biểu diễn nhạc cụ khác nhau, cả bốn cô đều mặc áo “mã tiên”, gồm áo trắng dài mặc trong, áo cánh màu mặc ngoài, mỗi cô một áo có thể thay đổi khi tô sao cho vui, đội mũ, mặc quần trắng. Áo mã tiên khá điển hình ở Huế, ở những đám cưới lớn có tám em bé mặc áo mã tiên cầm đèn lồng đi thành hai hàng dọc. Các cô như những ca sĩ duyên dáng, phục trang nền nã.

Làng nón Phú Cam

Làng Phú Cam (phường Phước Vĩnh), ngay ở trung tâm thành phố Huế, bên bờ nam sông An Cựu.

Nón Huế, nón Phú Cam đã xinh ở dáng, lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá.

Dáng nón trước hết phụ thuộc vào khung nón, phải giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành. Sau khung là lá nón sao cho có màu trắng xanh. Phải chọn lá vừa đủ tuổi để chỉ 8 - 9 lá đủ chằm một cái nón. Có lá đúng tuổi còn phải xử lý qua một quy trình công nghệ sấy và ủ phức tạp.

Nón Huế duyên dáng còn do bộ xương mười sáu cái vành lớn nhỏ khác nhau. Những nan vành được uốn thành vòng thật tròn, với hai đầu tre được liền với nhau bằng sợi chỉ khéo léo. Khâu cuối cùng là chằm nón, phải chằm một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng những sợi chỉ cước trong suốt gắn những tấm lá trắng xanh được xếp đều đặn vào bộ vành.

Nón bài thơ là bộ phận của văn hoá Huế, nghề làm nón ở Huế không chỉ là nghề thủ công thuần tuý, mà chính là một hoạt động nghệ thuật, đem lại cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật vật chất.

Làng kim hoàn Kế Môn

Làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km. Nghề kim hoàn ở Kế Môn là nghề gia công cổ truyền đồ trang sức, trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc, bao gồm ba bộ phận:

Ngành trơn: là người thợ sản xuất các sản phẩm đơn giản, không chạm trổ nhiều.

Ngành đậu: thường làm các hình hoa văn kỷ hà để gắn lên mặt sản phẩm.

Ngành chạm: chạm trổ các hình và hoa văn trên các sản phẩm.

Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.

Băng Tâm (ảnh: internet)


Ý kiến bạn đọc