Cửa hàng tiện ích ồ ạt mở cửa: Doanh nghiệp Việt lép vế?

06:26, 06/07/2017
|

(VnMedia) - Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện doanh nghiệp Việt Nam gần như có thể cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp ngoại trên mảng hoạt động cửa hàng tiện ích. Mặc dù về nguồn lực, chúng ta kém hơn nhiều nhưng các công ty trong nước lại hiểu người tiêu dùng Việt, có sự nhạy bén, linh hoạt trong quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng.

Thời gian vừa qua, chuỗi cửa hàng tiện ích nước ngoài đã liên tục thâm nhập vào thị trường Việt Nam tạo nên một làn sóng phát triển mạnh mẽ. Gần đây nhất là vào 15/6 vừa qua, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu 7-Eleven (hệ thống bán lẻ lớn nhất Nhật Bản) đã chính thức khai trương tại Việt Nam. Ngay sau khi cửa hàng đầu tiên của thương hiệu 7-Eleven chính thức khai trương tại TP.HCM đã thu hút khá nhiều giới trẻ quan tâm và đến mua sắm.

Việc các đại gia bán lẻ mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích cho thấy, phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ngoại nhập đang là mối đe dọa khá lớn đối với các cửa hàng tạp hóa, cũng như kênh bán lẻ truyền thống của Việt Nam.

7-Eleven chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên TP.HCM đã thu hút khá nhiều bạn trẻ quan tâm đến mua sắm. Ảnh: Kênh14
7-Eleven chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên TP.HCM đã thu hút khá nhiều bạn trẻ quan tâm đến mua sắm. Ảnh: Kênh14

Đến thời điểm hiện nay, việc nhiều chuỗi cửa hàng tiện ích có độ phủ lớn và hiểu rõ tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, có thể gây khó dễ cho 7-Eleven như chuỗi của Saigon Co.op với tên Co.op Smile hay Co.op Food, chuỗi cửa hàng của Satra, Hapro...

Bà Loan cho biết, hiện nay hàng hóa của các nước trên thế giới nói chung và Asean nói riêng đã rộng cửa vào thị trường Việt Nam. Đây được xem là cơ hội rất lớn cho người tiêu dùng Việt Nam khi có thêm nhiều lựa chọn về các sản phẩm thích hợp với túi tiền và gu thẩm mỹ, cũng như yêu cầu về hàng hóa và sản phẩm của thời kỳ hội nhập.

Cũng theo bà Loan, việc mở cửa thị trường cũng là cơ hội để kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước. Đây được xem là cuộc cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa Việt Nam. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải cố gắng hết sức để giữ vững trên thị trường.

“Nếu chúng ta nhớ lại hơn 10 năm trước, những cửa hàng tiện lợi đầu tiên đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng khi đó thì không thành công, kể cả chuỗi trong nước cũng như nước ngoài, chẳng hạn như chuỗi của G7. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, xu hướng các chuỗi cửa hàng nhỏ, cửa hàng tiện lợi đã và đang trở nên thích hợp và càng ngày càng được ưa thích ở Việt Nam", bà Loan cho hay.

Theo phân tích của bà Loan, doanh nghiệp ngoại có ưu thế về thương hiệu, vốn và kinh nghiệm. Việc các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài nói chung, trong đó có các chuỗi cửa hàng tiện lợi nói riêng tấn công thị trường Việt Nam đã được dự báo từ trước.

Bà Loan cũng nhận định, trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại ồ ạt tấn công vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp nội không hề thờ ơ hay bàng quan. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam gần như có thể cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp ngoại. Mặc dù về nguồn lực, chúng ta kém hơn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại hiểu người tiêu dùng Việt, có sự nhạy bén, linh hoạt trong quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng.

Bà Loan cũng nhận định: “Nếu như trước đây các cửa hàng tiện lợi của chúng ta thường bị chê là giá cả đắt đỏ, hàng hóa thiếu phong phú thì bây giờ đã có sự thay đổi, hàng hóa phong phú và có thêm nhiều tiện ích như ăn uống tại chỗ, trả tiền điện thoại, có wifi phục vụ...".

Là người theo dõi ngành bán lẻ trong nhiều năm, bà Loan cho biết đã cảm nhận được rất rõ sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội và ngoại, thông qua sức mua của người tiêu dùng, cũng như thái độ ứng xử đối với hàng hóa, sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay, diện mạo của người tiêu dùng Việt Nam đã rất khác, rất đổi mới, hội nhập, đa dạng hơn và phong phú hơn trước đây. Điều này đã khiến hàng Việt đứng trên một sự cạnh tranh vô cùng gay gắt, bởi vì nếu nhìn vào hàng ngoại nhập có thể thấy rằng, hàng hóa của họ rất năng động, sáng tạo trong mẫu mã và giá cả. Điều này đòi hỏi phải nổi lực hơn nữa, phải làm sao hàng Việt chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc