Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào chứng khoán liên tục tăng

06:39, 10/08/2017
|
(VnMedia) – Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 7 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng do kinh tế vĩ mô Việt Nam có dầu hiệu hồi phục, lạm pháp vẫn ở mức thấp. 
 
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, sau khi không vượt qua 780 điểm, thị trường cổ phiếu điều chỉnh giảm và hồi phục trở lại. Xu hướng trung dài hạn của thị trường vẫn tích cực nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và mặt bằng giá cổ phiếu ở mức hợp lý. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 7 đạt xấp xỉ 110 tỷ USD, tương đương 55,5 GDP.
 
Đối với dòng vốn nước ngoài, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng thống kê, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng do kinh tế vĩ mô Việt Nam có dầu hiệu hồi phục, lạm pháp vẫn ở mức thấp.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Theo đó, từ đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng 135 triệu USD, trong đó mua ròng 29 triệu USD cổ phiếu và mua ròng 106 triệu USD trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 1,2 tỷ USD (trong đó: 720 triệu USD trái phiếu, 480 triệu USD cổ phiếu) cao nhất từ năm 2011.
 
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 25,4 tỷ USD, tăng 25% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,3% và trên thị trường trái phiếu Chính phủ ước đạt 5,3%.
 
Về thị trường trái phiếu, thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, 7 tháng đầu năm 2017, nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn khá cao, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ bình quân trong tháng 7 đạt 92,5%. Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ giảm mạnh, liên tiếp ở tất cả các kỳ hạn (giảm từ 0,39%/năm đến 1,33%/năm so với cuối năm 6/2017) sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất. Dự báo, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể tiếp tục giảm đối với các kỳ hạn trên 10 năm.
 
Đối với chỉ số CDS – một thước đo đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam, đã tăng trở lại sau khi giảm mạnh từ đầu năm. Sau khi xuống thấp kỷ lục trong tháng 6/2017, chỉ số CDS (kỳ hạn 5 năm) đã bật tăng trở lại trong tháng 7 ở mức 157 điểm, tăng 16,8% so với mức đáy được xác lập vào phiên 14/6. Điều này phản ánh các nhà đầu tư đã có những dấu hiện thận trọng hơn, trước việc nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cùng với đó nó có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát nợ công của Quốc gia.
 
Mặc dù vậy, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính từ đầu năm, xu hướng giảm vẫn là chủ đạo cho thấy niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được cải thiện, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường và xu hướng mua ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục được duy trì.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc