Gian lận cây xăng: Phải xử lý hình sự

09:23, 26/12/2015
|

(VnMedia)- Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội,  hành vi ăn bớt xăng bằng thủ đoạn gắn chíp cùng bảng mạch điện tử vào các cột bơm xăng rồi dùng điều khiển từ xa được thực hiện bởi các nhân viên và chủ doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội Lừa dối khách hàng.

Ngày 24/12/2015, Đội trưởng đội quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu của Công ty CP Xăng dầu Chất đốt Hà Nội (HFC) ở 436 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), 249 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) và xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Cơ quan chức năng phát hiện cả 6 cột bơm tại 2 cây xăng của HFC ở số 436 Trần Khát Chân và xã Yên Viên đều được gắn chip để gian lận.

Cụ thể, tại cây xăng có địa chỉ tại 436 đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, thời điểm kiểm tra, một khách hàng bơm 20 lít xăng nhưng kiểm tra bằng bình tiêu chuẩn chỉ đạt 19 lít. Lực lượng liên ngành đã yêu cầu nhân viên cây xăng ngừng hoạt động để kiểm tra.

Tại mỗi cây xăng có 3 cột bơm và các cột bơm này đều bị gắn chíp cùng bảng mạch điện tử, được nhân viên dùng điều khiển từ xa để làm thay đổi bộ đếm cột bơm. Khi lực lượng chức năng tháo chíp điện tử, toàn bộ các cột bơm xăng đều không hoạt động.

Vi phạm tương tự được xác định tại cây xăng Yên Viên, thuộc địa bàn xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Kết thúc kiểm tra, lực lượng liên ngành đã lập biên bản vi phạm, niêm phong tất cả các cột bơm xăng, thu giữ các bảng mạch và chíp điện tử, điều khiển từ xa để kiểm tra làm rõ và tạm thời đình chỉ hoạt động của 2 cây xăng.

Riêng cây xăng 436 Trần Khát Chân, theo cơ quan chức năng, đây không phải lần đầu tiên vi phạm bị phát hiện.

Liên quan đến sự việc này, chia sẻ với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi ăn bớt xăng bằng thủ đoạn gắn chíp cùng bảng mạch điện tử vào các cột bơm xăng rồi dùng điều khiển từ xa được thực hiện bởi các Nhân viên và chủ Doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội Lừa dối khách hàng. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 162 BLHS. Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Do đó cần phải chứng minh người tiêu dùng đã bị thiệt hại khi mua xăng.

Để có đủ căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ Doanh nghiệp và các Nhân viên thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra cần làm rõ.

Thứ nhất là người bị thiệt hại khi mua xăng ở cây xăng (bị hại): Về vấn đề xác định người bị hại, CQĐT cần phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cung cấp các Hóa đơn, chứng từ chứng minh đã mua xăng.

Thứ hai là xác định việc gian lận nói trên gây thiệt hại nghiêm nghiêm trọng cho khách hàng: Áp dụng tương tự về hậu quả nghiêm trọng trong thiệt hại về kinh tế theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thầm phán TAND Tối Cao.

Trường hợp "Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn" được xác định: a. Thu lợi bất chính từ năm triệu đồng đến dưới mười lăm triệu đồng là lớn; b. Thu lợi bất chính từ mười lăm triệu đồng đến dưới bốn mươi lăm triệu đồng là rất lớn; c. Thu lợi bất chính từ bốn mươi lăm triệu đồng trở lên là đặc biệt lớn.

Đối với trường hợp cây xăng 436 Trần Khát Chân đã từng bị xử phạt hành chính thì cần phải làm rõ thời hiệu xử phạt vi phạm. Nếu cây xăng 436 Trần Khát Chân vẫn còn trong thời hiệu xử lý vi phạm hành chính kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt mà tính đến ngày phát hiện vi phạm mới vẫn trong thời hiệu thì được coi là đã bị xử phạt hành chính. Hành vi vi phạm lần này thì không cần phải căn cứ vào hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng mà vẫn có thể xử lý trách nhiệm hình sự.

Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau: Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Điều 162 Tội lừa dối khách hàng

Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.


Ý kiến bạn đọc