EU vỡ trận trước Nga vì sự "phản bội" của Pháp?

07:53, 29/04/2016
|

(VnMedia) - Hạ viện Pháp hôm qua (28/4) đã bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Nga. Dù kết quả cuộc bỏ phiếu này không có tính ràng buộc nhưng Bộ Ngoại giao Pháp thừa nhận không thể phớt lờ diễn biến trên. Liệu EU có vỡ trận tan tác trước Nga vì sự “quay lưng” này của Pháp hay không?

Quốc hội Pháp
Quốc hội Pháp

Các nghị sĩ Pháp hôm qua đã bỏ phiếu bày tỏ quan điểm, lập trường của họ về chính sách trừng phạt Nga của EU theo đề xuất của nghị sĩ bảo thủ Thierry Mariani. Kết quả là trong số 110 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, có 55 nghị sĩ ủng hộ nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà liên minh 28 thành viên đang áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 44 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại việc từ bỏ chính sách trừng phạt.

Đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng như các nhóm theo đường lối trung hữu và cực tả đều bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đảng Xã hội và Đảng Xanh bỏ phiếu chống nghị quyết do nghị sĩ Mariani đưa ra.

"Các biện pháp trừng phạt hoàn toàn chẳng có tác dụng gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay mà chúng còn đang gây nguy hiểm cho các lợi ích của Pháp”, ông Mariani - nghị sĩ đại diện cho những người dân Pháp ở Đông Âu và Nga, cho biết.

Nhận xét về kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, ông Nicolas Dhuicq - một thành viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Pháp, đã nói rằng: Kết quả đó là "một điều kỳ diệu và là một chiến thắng vĩ đại”.

"Bất chấp sự phản đối của đảng cầm quyền, nghị quyết đã được nhiều đồng nghiệp của chúng tôi trong quốc hội ủng hộ và nó nên được chính phủ xem xét một cách nghiêm túc. Chúng ta không thể chịu thêm được những tổn thất trị giá hàng tỉ USD mà các doanh nghiệp Pháp đang phải hứng chịu vì chính sách trừng phạt”, ông Dhuicq cho biết đồng thời nhấn mạnh chính sách trừng phạt đang trở thành gánh nặng cho nền nông nghiệp Pháp.

Nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt các biện pháp nhằm vào Nga do một nhóm nghị sĩ của Đảng Cộng hòa theo đường lối trung hữu dưới sự dẫn dắt của nghị sĩ Mariani đưa ra. Ông Mariani cũng là đồng chủ tịch của Hiệp hội Đối thoại Nga-Pháp.

Nghị quyết trên “kêu gọi chính phủ Pháp không kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga của EU”. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Mariani cho rằng, việc nghị quyết mà ông đưa ra được ủng hộ là “một sự ngạc nhiên dễ chịu”. "Về mặt lý thuyết, chính phủ có thể từ chối không thực hiện nghị quyết nhưng phớt lờ nó đồng nghĩa với việc phủ nhận nền dân chủ”, nghị sĩ Mariani nhấn mạnh.

Trái trược với lập trường trên, nghị sĩ Harlem Desir – người bỏ phiếu phản đối cho rằng, “mục đích của các biện pháp trừng phạt là để đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán”.

Trong khi đó, phản ứng trước cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, cơ quan này “quan tâm” đến kết quả cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Quan hệ giữa Nga và EU đang trải qua những tháng ngày khủng hoảng nhất, đen tối nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt. Ngoài ra, nhiều nước Châu Âu còn muốn xích lại gần Nga hơn sau khi mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang ngày càng hiển hiện và ngày càng nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc