Trung Quốc: Bí ẩn bao trùm dịch cúm gia cầm H7N9

06:42, 03/05/2013
|

Trong khi số người tử vong vì virus H7N9 ở Trung Quốc ngày càng tăng thì Đài Loan vừa phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, dòng virus cúm gia cầm mới ở Trung Quốc nguy hiểm nhất trong hiện tại và khẳng định chưa thể xác định chính xác cơ chế lây nhiễm cũng như nguồn gốc của virus càng khiến nguy cơ bùng phát đại dịch H7N9 tăng cao.

Số người chết tăng dần, diện nhiễm bệnh mở rộng

Kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố có hai người tử vong do virus H7N9, các chuyên gia ghi nhận tình trạng lây nhiễm tập trung chủ yếu ở phía đông đất nước. Tuy rằng tình hình lây lan có vẻ chậm, nhưng hầu như mỗi ngày đều phát hiện thêm nhiều ca bệnh mới.

Cho tới nay đã có 108 người bị nhiễm bệnh kể từ khi ca tử vong đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc hồi tháng trước. Các điều tra viên chưa xác định trường hợp lây lan virus từ người sang người nào. Một số mẫu gia cầm đã có kết quả xét nghiệm dương tính, và Trung Quốc đã tiêu hủy hàng triệu gia cầm, rồi dùng cả biện pháp đóng cửa một số chợ bán gà vịt sống.

Chính quyền Đài Loan hôm 24/4 xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus gia cầm H7N9, chủng virus chính đang lây nhiễm mạnh ở Trung Quốc, trong đó đã có 22 người tử vong.

Theo Trung tâm phòng chống các bệnh truyền nhiễm Đài Loan, người đàn ông 53 tuổi này làm việc tại thành phố Tô Châu ở Trung Quốc. Đi từ đại lục về qua ngả Thượng Hải, bệnh nhân đã nhập viện từ hôm 16/4, trong tình trạng huyết áp cao và mang bệnh siêu vi gan. Nhưng cho đến nay, đã hơn một tuần, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng "nguy ngập". Trung tâm cũng cho biết rõ là bệnh nhân không có tiếp xúc với gia cầm sống hay với chim chóc, không tiêu thụ thịt gia cầm nấu tái.

Chính quyền Đài Bắc đã cho giám sát chặt chẽ 139 người đã tiếp xúc với bệnh nhân, trong đó có 110 người là nhân viên tại ba bệnh viện.

Một nửa số bệnh nhân nhiễm H7N9 không hề tiếp xúc với gia cầm

Ngày 24/4, một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã tổ chức một cuộc họp báo để nói về virus cúm H7N9. Toán chuyên gia này đã đến Trung Quốc hồi tuần trước để thực hiện chuyến công tác 5 ngày nhằm tìm hiểu thêm về loại virus mới này.

Ông Keiji Fukuda, Phó giám đốc An ninh Y tế của WHO cho biết, vào thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus H7N9 có thể lây lan một cách dễ dàng từ người sang người, mà chủ yếu là từ gia cầm sang người. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, dòng virus cúm gà mới ở Trung Quốc là một trong các virus độc hại nhất của các loại virus gây ra chứng bệnh có thể gây chết người này.

Ông Fukuda nói: "Khi chúng ta nói tới virus cúm thì đây là loại virus nguy hiểm một cách bất thường cho con người. Dựa trên các bằng chứng mà chúng tôi đang có chúng tôi nghĩ rằng virus này dễ lây từ gia cầm sang người hơn virus H5N1". Dòng virus cúm gà H5N1 đã xuất hiện năm 2003. Trong 10 năm qua, virus này lan ra trên 3 châu lục.

WHO và các giới chức y tế Trung Quốc nhấn mạnh rằng, nỗ lực tìm hiểu dòng virus mới vẫn còn ở trong giai đoạn đầu và hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguồn gốc của virus H7N9. Thế nhưng, còn một điểm chưa rõ là, gần một nửa bệnh nhân nhiễm H7N9 không hề tiếp xúc gia cầm trước khi bị bệnh. Một nguy hiểm khác của loại virus này mà các chuyên gia cảnh báo, đó là nó có khả năng nằm im trong cơ thể gia cầm, tức là sau khi xâm nhập vào cơ thể gia cầm, các gia cầm không hề có biểu hiện bệnh nên càng gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch.

Thêm vào đó, các chuyên gia cho biết, có thể H7N9 đang có những đột biến để tiến đến khả năng lây từ người sang người, và mỗi lần thêm một cơ hội để đột biếnnhư thể loại virus này.

Lương Vạn Niên, một viên chức của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết, hiệu quả của những biện pháp phòng ngừa của chính phủ vẫn chưa rõ ràng. Ông Lương cho biết: "Có rất nhiều yếu tố chưa được làm rõ, trong đó có nguồn gốc virus, sự biến đổi gien của virus, các yếu tố bệnh lý học, tính chất độc hại, sự chuyển dịch, các triệu chứng lâm sàng và tình hình dịch tễ học của virus này. Vì vậy chúng tôi còn phải nghiên cứu thêm rất nhiều".

Bà Nancy Cox, Giám đốc bộ phận Cúm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC của Mỹ, là một trong các chuyên gia trong phái đoàn của WHO. Bà Cox nói: "Cho đến nay, không có mẫu xét nghiệm nào của các loại di điểu hay nơi sinh cư của chúng có kết quả dương tính với H7N9. Ngược lại, những mẫu xét nghiệm của gà vịt và bồ câu ở các chợ gia cầm đã có kết quả dương tính với H7N9. Những mẫu xét nghiệm môi trường của các chợ gia cầm cũng có kết quả dương tính".

Cho đến nay, phần lớn các ca tử vong và lây nhiễm của loại virus mới đã xảy ra ở Thượng Hải. Giới hữu trách Thượng Hải đã đóng cửa các chợ gia cầm sống để ngăn ngừa dịch lây lan.

Các nước khu vực đề cao cảnh giác

Trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 xuất hiện tại Đài Loan đã khiến nhiều quốc gia châu Á phải cảnh giác cao độ. Các nước này buộc phải tăng cường các biện pháp phát hiện bệnh ngay tại sân bay, đặc biệt đối với những hành khách đến từ Trung Quốc.

Theo AFP, trước những dấu hiệu bệnh cúm lây lan, Việt Nam đã bắt đầu tăng cường các biện pháp kiểm tra phát hiện bệnh ngay từ cửa khẩu sân bay. Các cơ quan y tế của Nhật Bản cũng đã được phép từ tháng 5 lắp đặt tại các sân bay máy đo thân nhiệt hành khách đến từ Trung Quốc.

Chính quyền Đài Loan mới đây cũng đã ra lệnh cấm vĩnh viễn việc giết gia cầm sống tại các chợ kể từ ngày 17/6 tới. Ngày 18/4, tại Tp HCM, Bộ Y tế tổ chức tập huấn điều trị cúm A/H7N9 cho các bệnh viện, cơ sở y tế tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Dưới góc độ khoa học, giới chức của Bộ Y tế Nhật Bản vừa xác nhận rằng, các thuốc kháng virus như Tamiflu là có hiệu quả trong việc điều trị chủng cúm gia cầm H7N9. Ngày 14/4, Bộ Y tế Nhật Bản đã nhận được các mẫu virus cúm gia cầm từ Trung Quốc. Các mẫu này đã được đem tới Viện Nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm để kiểm tra xem liệu 4 loại thuốc kháng virus, trong đó có Tamiflu và Relenza, có hiệu quả hay không trong việc đối phó với loại virus mới này.

Bộ Y tế Nhật nói rằng các kết quả xét nghiệm và phân tích cho thấy tất cả các loại thuốc này đều có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus phát triển.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc