“Sát thủ” vô hình mang tên Huyết áp thấp

14:26, 25/08/2013
|

(VnMedia) - Hầu hết mọi người thường quan tâm và nhắc nhiều đến bệnh huyết áp cao. Nhưng thực tế, huyết áp thấp cũng rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây sốc, đau thắt ngực, suy thận, nhồi máu não…có thể gây tử vong.

Người bị huyết áp thấp có trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, mạch áp có hiệu số thường dưới 20mmHg (Huyết áp trung bình là 120/80 mmHg).


Không thể coi thường

So với huyết áp cao, huyết áp thấp do không dẫn đến biến chứng như tai biến mạch mão não, nghẹn tắc cơ tim… nên nhiều người rất chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, ít người biết được rằng huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém.

Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài, còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

Huyết áp thấp bao gồm huyết áp thấp do sinh lý và do bệnh lý. Huyết áp thấp sinh lý thường gặp ở những người khỏe mạnh với đặc điểm huyết áp thấp duy trì trong suốt cuộc đời, không phát hiện được những biến đổi bệnh lý khi chẩn đoán lâm sàng. Huyết áp thấp sinh lý có thể là huyết áp thấp do thể tạng - di truyền.: Huyết áp thấp bệnh lý do giảm trương lực thần kinh - mạch máu bệnh huyết áp thấp với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch: đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.


Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Có nhiều nguyên nhân gây nên huyết áp thấp: do suy giảm chức năng của các cơ quan như tim, thận, hệ tiêu hóa hoặc hệ thống thần kinh tự động của cơ thể không tự điều chỉnh được gây tụt huyết áp tư thế. Cũng có thể do mắc một số bệnh mãn tính gây thiếu máu, hoặc kém dinh dưỡng kéo dài như bệnh huyết học, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mãn, suy giáp, suy giảm nội tiết… Tất cả những nguyên nhân đó gây suy giảm áp lực bơm máu và thể tích máu dẫn đến tình trạng huyết áp thấp.

Biểu hiện của Huyết áp thấp

- Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, lả, có cảm giác buồn nôn và rất muốn được nghỉ ngơi.

- Khó tập trung và dễ nổi cáu, lạnh tay chân.- Suy giảm khả năng tình dục

- Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc.

- Thở dốc nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng.

Biện pháp phòng tránh huyết áp thấp

- Uống nhiều nước để ngăn ngừa cơ thể khô nước và tránh tụt huyết áp.

- Người huyết áp thấp nên ăn mặn hơi. Tuy nhiên, cần phải tư vấn bác sĩ để tránh bị ảnh hươngr đến sức khỏe của tim.

- Dùng tất có độ đàn hồi tránh máu tụ ở hạ chi, nhờ đó máu nhiều hơn ở phần trên cơ thể.

- Tránh uống rượu vì rượu làm mất nước và làm giãn mạch.

- Tránh đứng quá lâu; từ từ đứng lên khi nằm hoặc ngồi.

- Không nên uống thuốc chống huyết áp trước khi ăn; tránh đứng bất thình lình và nên nằm nghỉ sau khi ăn; giảm tinh bột trong phần ăn, chia phần ăn làm nhiều bữa nhỏ.

-  Uống có caffeine làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh khó ngủ ban đêm.

- Nằm ngủ với gối hơi cao hơn chân có thể giảm triệu chứng bằng cách giữ lại natri, bớt tiểu đêm.

Ngoài ra, những người bị huyết áp thấp không thể đứng lâu một chỗ mà cần thiết phải vận động. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên có tác dụng nâng cao trương lực mạch máu và nâng cao khả năng đẩy máu của tim. Tập luyện các bài tập đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông đều rất tốt.    Tập luyện các bài tập thể dục trong 10 - 15 phút, 2 - 3 lần ngày cũng rất tốt. Tuy nhiên, những người huyết áp thấp cần tránh tập các bài tập rèn sức mạnh các nhóm cơ với cường độ lớn và trong thời gian dài. Khi cảm thấy không được khỏe mỏi mệt, chóng mặt, đau đầu có thể tập tại nhà với các bài tập thể dục, tốt nhất là tập một số động tác ở tư thế ngồi hoặc nằm trên sàn.

Về chế độ ăn uống, phải duy trì chế độ ăn hợp lý 3 - 4 bữa/ngày, ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày. Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: uống cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho… Người cao tuổi cần có sự tư vấn của bác sĩ khi lựa chọn những biện pháp này.

Những người bị huyết áp thấp cần ngủ nhiều hơn. Một giấc ngủ ngon sẽ làm cho tâm trạng thoải mái, điều hòa hoạt động các trung tâm thần kinh, trong đó có trung tâm vận mạch.

Tránh dùng thuốc ngủ, thuốc an thần do các loại thuốc này có thể làm giảm huyết áp, đau đầu và buồn ngủ ban ngày. Tốt nhất là dùng một số loại chè thảo mộc. Phương pháp tắm nóng lạnh luân phiên cũng rất tốt cho người bị huyết áp thấp.   


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc