Cảnh báo về tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người bệnh

10:20, 26/11/2014
|

(VnMedia)- Có tới hơn 60% bệnh nhân nhập viện không được xét nghiệm nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Ngay tại những bệnh viện chuyên khoa hàng đầu, việc đánh giá dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng rất hạn chế do thiếu hụt đội ngũ chuyên môn, trang thiết bị...

Giật mình về chỉ số dinh dưỡng

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Triệu, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ Trung ương cho rằng, 20- 30 năm trước, tỷ lệ người bệnh mắc bệnh do nhiễm trùng đến 60%, đến nay tỷ lệ này lại ngược lại, tỷ lệ người mắc bệnh nhiễm trùng chỉ còn dưới 30%, trên 60% người mắc bệnh không phải do vi trùng, vi rút mà lại do các bệnh về rối loạn chuyển hoá như ung thư, tiểu đường, tim mạch... những căn bệnh của thời đại phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết, từ trước đến nay, phần lớn người bệnh khi bước chân vào bệnh viện chỉ chú ý tới việc dùng thuốc trị bệnh và hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại tân dược sẽ gây hại với sức khỏe người bệnh.

Tại Hội thảo “Giải pháp dinh dưỡng lâm sàng” với sự tham dự của hơn 400 GS, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, một thông tin thú vị đã được các chuyên gia chia sẻ, đó là việc trị bệnh bằng dinh dưỡng đang là một xu thế mới hình thành trên cơ sở lựa chọn một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giữ gìn sức khỏe. Mỗi nhóm bệnh, tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng.

Bộ Y tế vừa qua cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy chăm sóc dinh dưỡng tại các bệnh viện bằng cách thành lập khoa Dinh dưỡng lâm sàng, tiết chế, đồng thời thiết lập một đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng tại các bệnh

Theo đánh giá của Bộ Y tế cho thấy hiện có đến 31% bệnh viện tỉnh không có khoa dinh dưỡng; tỉ lệ các BV thuộc trường đại học và BV ngành chưa thành lập khoa/tổ dinh dưỡng cũng còn khá cao.

Cụ thể như theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy, mới chỉ có 70% BV trên địa bàn đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh. Đáng chú ý là có hơn 1/3 số BV tư nhân chưa đáp ứng yêu cầu này.

Do đó, có tới hơn 60% bệnh nhân nhập viện không được xét nghiệm nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Ngay tại những bệnh viện chuyên khoa hàng đầu, việc đánh giá dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng rất hạn chế do thiếu hụt đội ngũ chuyên môn, trang thiết bị... Chỉ một số trường hợp bệnh nặng mới được mời hội chẩn dinh dưỡng.

Hậu quả là cứ 3 người nhập viện thì có ít nhất một suy dinh dưỡng, tình trạng trầm trọng hơn khi họ xuất viện.

Còn tại Hội nghị về dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện (BV) do Bộ Y tế tổ chức ở TP HCM vào cuối tháng 7 vừa qua, các chuyên gia dinh dưỡng nhận định có khoảng 30-50% bệnh nhân nằm viện bị suy dinh dưỡng; có tới 2/3 số bệnh nhân nằm viện không được thầy thuốc quan tâm đến tình trạng dinh dưỡng. Trong khi đó, bản thân người bệnh rất ít để ý đến vấn đề này, họ chủ yếu nghĩ đến thuốc, bác sĩ, các thủ thuật, phẫu thuật…

  Ảnh minh họa

 Các bệnh nhân được điều trị dinh dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai.


Theo ước tính của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ suy dinh dưỡng của những bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú tại các bệnh viện chiếm khoảng 40-50%. Tại Bệnh viện Bạch Mai, có đến 65% người bệnh điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng.

Hay như điều tra cắt ngang 95/300 bệnh nhân vào bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2010 cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng lên tới 65% (BMI < 18,5) trong đó suy dinh dưỡng vừa và nặng là chủ yếu và 65% suy dinh dưỡng (chủ yếu là nhẹ) khi ra viện.

Tỉ lệ này ở Việt Nam rõ ràng tương đương, thậm chí cao hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 50% bệnh nhân nội trú bị suy dinh dưỡng) và đây là tình hình chung tại các cơ sở y tế ở tất cả quy mô, công và tư.

Dinh dưỡng quan trọng như thuốc

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp dinh dưỡng lâm sàng” vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, BS cao cấp Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc TT Dinh dưỡng lâm sàng Bạch Mai, cho biết dinh dưỡng có vai trò quan trọng như thuốc và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến triển bệnh.

Theo một nghiên cứu gần đây, việc áp dụng bổ sung dinh dưỡng bằng đường uống cho bệnh nhân nội trú giúp giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí cho mỗi lần điều trị và giảm tỉ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày.

  Ảnh minh họa

  Theo BS Đinh Thị Kim Liên, rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị trong tình trạng cơ thể suy kiệt như trên.


Một nghiên cứu khác so sánh nuôi ăn qua tĩnh mạch và nuôi dưỡng qua ống thông (34 bệnh nhân) trên 65 bệnh nhân bỏng nặng cho thấy việc áp dụng sớm biện pháp nuôi dưỡng qua ống thông giúp giảm 4,3 lần tỉ lệ tử vong. Cùng đó tỉ lệ sốc nhiễm khuẩn cũng ở nhóm bệnh nhân này giảm 3,7 lần và rút ngắn thời gian dùng kháng sinh từ 20 ngày xuống 13 ngày.

Ngoài ra, dinh dưỡng kém hoặc thiếu hụt dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của bệnh nhân sau khi đau ốm, bị thương, giải phẫu.

  Ảnh minh họa

Điều trị ăn xông cho người bệnh.


Ý thức được điều này, trong những năm gần đây, nhiều bệnh viện ngày càng chú trọng đến chuyện nuôi dưỡng người bệnh, có những đánh giá trình trạng dinh dưỡng ngay trong 24 giờ tính từ khi người bệnh vào viện; tính toán năng lượng và thành phần các dưỡng chất cho từng thời điểm điều trị; truyền dinh dưỡng qua đường tiêu hoá được ưu tiên nếu hệ tiêu hoá còn hoạt động, sau đó mới đến đường tĩnh mạch vì truyền dinh dưỡng qua đường tiêu hoá là con đường sinh lý nhất, dễ làm nhất, hiệu quả nhất và rẻ tiền nhất.

Cụ thể, tại bệnh viện Bạch Mai hiện đã xây dựng 42 chế độ ăn áp dụng cho bệnh nhân người lớn (trong đó có đầy đủ chế độ ăn bình thường, chế độ bồi dưỡng, 07 chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường, 10 chế độ ăn cho bệnh nhân thận, 05 chế độ ăn cho bệnh nhân tim mạch, 06 chế độ ăn cho bệnh nhân tiêu hoá ,chế độ ăn cho bệnh nhân Gout, bệnh nhiễm khuẩn, hậu phẫu, chế độ ăn dành cho người nghèo) và 32 chế độ ăn áp dụng cho trẻ em bao gồm chế độ ăn cho các lứa tuổi, chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, tiêu chảy và các chế độ ăn bệnh lý khác, từ các xuất ăn thông thường đến dạng súp dinh dưỡng ăn qua đường xông.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc