Hiểu đúng về bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý

13:56, 02/04/2015
|

(VnMedia)  - Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có khoảng 3-7 trẻ bị chứng bệnh tăng động giảm chú ý và đa số  khởi phát trước 7 tuổi, lứa tuổi được phát hiện nhiều nhất là 8-11 tuổi,  nam nhiều hơn nữ. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời trẻ có thể bị những rối loạn hành vi, tình cảm và nhân cách sau này.

BS Cao cấp Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Hà Nội cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn đã được biết từ hàng trăm năm trước, đặc trưng bởi sự kết hợp của hành vi hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế với giảm chú ý rõ rệt và thiếu kiên trì trong mọi công việc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam căn bệnh này dường như còn ít người biết đến hoặc không để ý, nhiều phụ huynh khi thấy con mình có những dấu hiệu như ngỗ nghịch, hiếu động quá mức cũng cảm thấy lo lắng nhưng lại không chắc chắn có phải là bệnh, thậm chí không ít phụ huynh cho rằng con mình hiếu động là thông minh, một số lại cho rằng con mình bị bệnh tự kỷ?

Vì quan niệm không đúng nên không ít trường hợp chẩn đoán muộn, cha mẹ không hợp tác điều trị… Một chẩn đoán tự kỷ hay rối loạn tăng động giảm chú ý là một chẩn đoán rất khó và cần được làm một cách hết sức cẩn thận. Trong khi, trẻ tự kỷ không có mối quan hệ bạn bè phù hợp do sự giảm thiểu quá thái nhu cầu giao tiếp xã hội và nhu cầu có bạn bè hoặc các quan hệ xã hội khác thì nhu cầu giao tiếp, nhu cầu có bạn của trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý là vẫn hiện hữu. Ở nhiều nước chỉ có những người làm chuyên khoa được phép đưa ra chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý hay tự kỷ.

Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp. Kết quả học tập của trẻ không tốt mặc dù IQ khá cao.

Cũng theo BS Cao cấp Lý Trần Tình cho biết, tăng động giảm chú ý bắt đầu sớm trong quá trình phát triển, thường là trước 7 tuổi. Các nét đặc trưng chính là thiếu sự kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức và có khuynh hướng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, nhưng không hoàn thành hoạt động nào cả, kết hợp vói một sự hoạt động quá mức, thiếu tổ chức và kém điều tiết.

Những trẻ này thường dại dột, xung động, dễ bị tai nạn và bản thân chúng thường vi phạm kỷ luật do không tôn trọng các quy tắc (vì thiếu suy nghĩ hơn là cố tình chống đối). Các quan hệ của chúng đối với người lớn thường là thiếu kiềm chế, thiếu thận trọng và dè dặt, chúng thường  không được các trẻ khác thừa nhận và có thể trở nên bị cô lập. Cũng thường gặp các tật chứng về nhận thức và các trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm.

Trên 30% trẻ bị tăng động giảm chú ý tiếp tục trải qua rối loạn này ở thời kỳ trưởng thành, có nhiều khó khăn về nghề nghiệp, giảm hiệu quả lao động, dễ bị kích thích và gây hấn, tính tình ngang bướng, cục cằn, lập dị... Do vậy, việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn tăng động giảm chú ý là rất cần thiết.

Do trẻ đang trong thời kỳ phát triển, do nhiều yếu tố tác động đến quá trình bệnh lý nên khi tiến hành can thiệp, đầu tiên, cần cố gắng giúp trẻ kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mình và cùng các giáo viên giúp đỡ các cháu trong việc học tập ở trường, và chỉ trong các trường hợp nặng mới nên dùng các loại thuốc. Tăng động giảm chú ý là một hội chứng bệnh lý, tuỳ từng trường hợp mà nhà điều trị có thể kết hợp điều trị thuốc với các liệu pháp tâm lý. Các bậc phụ huynh  nên đưa trẻ đến với các nhà chuyên môn càng sớm càng tốt, điều này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tình hình của trẻ.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Dấu hiệu tăng động giảm chú ý

Giảm chú ý: Tồn tại ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý trong thời gian tối thiểu là 6 tháng:

 
- Không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.

- Khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc vui chơi.

- Không lắng nghe người khác khi nói chuyện trực tiếp.

- Không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu hướng dẫn).

- Khó khăn khi tiến hành các hoạt động cần tính tổ chức.

- Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần trong thời gian dài (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).

- Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở).

- Dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài.

- Thường quên làm các công việc hằng ngày.

 

Tăng động: Tồn tại ít nhất 6 triệu chứng tăng động -bồng bột trong thời gian ít nhất là 6 tháng:

 

Tăng động:

- Tay chân ngọ nguậy, hay vặn vẹo khi ngồi.

- Thường rời bỏ chỗ ngồi trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên.

- Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức họ cảm giác bồn chồn).

- Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí chỉ cần các hoạt động nhẹ nhàng.

- Thường luôn di chuyển hoặc hành động như thể "đang lái môtô".

- Thường nói quá nhiều.

 

Bồng bột:

- Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong.

- Thường khó chờ đợi đến lượt mình.

- Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác (xen vào các cuộc nói chuyện hoặc các trò chơi).


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc