Sốt xuất huyết: Người dân phải chi gần1.600 tỷ mỗi năm

12:48, 31/08/2015
|

(VnMedia) - Sốt xuất huyết dengue là bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành phố của Việt Nam, giai đoạn 2006-2010, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100.775 người mắc, và khoảng 96 người tử vong, giai đoạn 2010-2012 ghi nhận trung bình khoảng 94.686 trường hợp mắc, với khoảng 50 người tử vong.

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết dengue người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Gánh nặng kinh tế, xã hội người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bị bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày. Chi phí cho người bệnh sốt xuất huyết dengue mà người dân phải chi trả bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị ngoài ra còn các chi phí khác như mua vật dụng, đi lại, chi cho người chăm sóc và chi phí bị mất do nghỉ việc và rất nhiều các khoản chi phí khác nữa.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết dengue giao động từ 40,7 USD đến 122,5 USD (nghĩa là từ 900.000 đến 2.700.000 đồng) tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh. Bên cạnh đó còn chi phí của Chính phủ để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh chưa được tính đến.

Với 94.868 người bệnh được ghi nhận trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2012, ước tính người dân phải chi phí tổng số tiền là khoảng 70-80 triệu đô la Mỹ tương đương 1.400 - 1.600 tỷ đồng Việt Nam một năm.

Như vậy sẽ giảm được gần 160 tỷ đồng chi phí từ người dân cho mỗi 10.000 trường hợp mắc bệnh được phòng ngừa. Vì vậy, năm 2013 ước tính giảm được gần 500 tỷ đồng và năm 2014 giảm được gần 1.000 tỷ đồng chi phí của người dân cho việc chăm sóc, điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue so với giai đoạn 2010-2012.

Hiện nay, trên thực tế chưa phải tất cả mọi người đã ý thức được lợi ích và ý nghĩa của việc làm tốt công tác phòng bệnh và một số địa phương chưa ý thức được trách nhiệm đầu tư cho công tác phòng bệnh, sự huy động nguồn lực cho phòng chống sốt xuất huyết dengue còn gặp không ít khó khăn.

Để giảm số người mắc sốt xuất huyết dengue hằng năm, giảm số người bệnh phải vào viện điều trị sẽ góp phần giảm gánh nặng cho công tác điều trị, giảm quá tải bệnh viện, giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế và sức lao động của người dân cần có sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp và ý thức phòng bệnh của mỗi người dân trong cộng đồng.


  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


 
Ai dễ mắc bệnh sốt xuất huyết?
 
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi v.v. Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút Dengue đều có thể bị nhiễm vi rút Dengue và mắc bệnh. Tuy nhiên, ở vùng bệnh lưu hành nặng như miền Nam và nam Trung bộ nước ta tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn, còn ở các vùng khác khả năng mắc bệnh của trẻ em và người lớn là như nhau.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc