Phụ nữ và con đường đau khổ mang tên “sổ đỏ”

07:49, 20/10/2014
|

(VnMedia) - Từ Luật Đất đai 2003, người vợ và người chồng đều được đứng tên trong “sổ đỏ” là tài sản chung, đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn có quyền bình đẳng trong việc hưởng dụng, định đoạt tài sản này. Tuy nhiên, trong thực tế thì điều này không đơn giản…

 

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên cả vợ chồng.

 

Còn Luật Đất đai 2003 cũng đã quy định rất rõ rệt, theo đó, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử đụng đất phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng.


Tiếp đó, Luật Đất đai sửa đổi 2013 cũng quy định: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ - PV), trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Ảnh minh họa

Đối với nhiều phụ nữ, để được đứng tên cùng chồng trong sổ đỏ không phải là điều dễ dàng


Cán bộ… lười


Như vậy, thay vì ghi tên một người, từ Luật Đất đai 2003, người vợ và người chồng đều được đứng tên trong GCN Quyền sử dụng đất đối với đất đai và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung, đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn có quyền bình đẳng trong việc hưởng dụng, định đoạt tài sản này. Với phụ nữ, đây là cơ hội để họ được tăng cường vị thế và tiếng nói trong gia đình và xã hội.

 

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản chỉ là có Luật. Việc thực thi quy định này hiện đang là một vấn đề hết sức khó khăn và trên thực tế, rất ít phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn có tên trong sổ đỏ. Lý do thì có rất nhiều…

 

Theo nghiên cứu Liên minh Đất đai (Landa) thì bản thân cán bộ địa chính xã cũng chưa nhận thức đầy đủ và nắm rõ quy định của pháp luật. “Làm hai tên rườm rà, thôi làm một tên thôi, photo chứng minh thư người nọ, người kia rườm rà” -một cán bộ địa chính xã Hào Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thừa nhận.

 

Còn một cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thì thẳng thừng: “Chúng em không có thời gian, chỉ cấp đổi lại thôi, giấy chứng nhận thế nào thì cấp lại như vậy thôi, khi có yêu cầu thì mới cấp sổ có 2 tên”…

 

Dân ngại

 

Trong khi cán bộ thụ động, chờ người dân tự đề xuất thì điều đáng nói là phụ nữ hoặc không biết, hoặc biết nhưng không dám đề xuất với chồng hoặc nhà chồng vì sợ bị nghi ngại là “có ý đồ” chiếm nhà, đất.

 

“Vợ chồng chưa có gì phát sinh, đứng tên một người cũng được. Sợ đề xuất sổ hai tên, tình cảm vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, cho rằng có nghi ngờ gì nên mới thay đổi sổ” – một phụ nữ ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị chia sẻ.

 

Quá trình đi khảo sát của cán bộ Landa cho thấy, tâm lý phụ nữ ngại va chạm, ngại đấu tranh, ngại chồng không đồng ý khá phổ biến. Nếu biết lợi ích sổ hai tên, họ cũng không dám đề nghị việc đổi sổ từ một tên thành hia tên, không muốn tự mình đề xuất.

 

“Tự nhiên yêu cầu đứng tên trong sổ đỏ thì khó quá. Nếu đi họp về bảo chồng để vợ đứng tên trong sổ đỏ thì sợ chồng la, chồng buồn, gia đình nhà chồng cho là mình muốn giành tài sản” – một phụ nữ thổ lộ. Trong khi đó, một chị khác thì nói: “Chồng là nam thì để chồng đứng tên luôn. Mình chưa thấy thiệt thòi gì vì đất cũng là của chồng, công vợ”.

 

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không đơn giản như vậy. Nhiều người chồng, dù đã chết vẫn đứng tên sổ đỏ, trong khi người vợ sống nuôi con, lo lắng mọi việc cho nhà chồng nhưng vẫn không có quyền gì đối với miếng đất, ngôi nhà đó. Đặc biệt, khi cần giải quyết những công việc liên quan đến cuốn sổ đỏ đó thì hết sức khó khăn.

 

Tại một hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội về vấn đề sổ đỏ 2 tên, có một thực tế được nhiều đại biểu băn khoăn, đó là cơ hội cho phụ nữ đứng trên trên mảnh đất cha mẹ chia cho hoặc thừa kế thường bị kẹt trong hai tình huống. Theo đó, ở nhà bố mẹ đẻ thì đất chia cho anh, em trai; còn ở nhà chồng thì bố mẹ chồng chia cho chồng và chỉ mình chồng đứng tên. Điều này sẽ vô cùng bất lợi đối với phụ nữ trong tình huống ly hôn. Khi đó, những người phụ nữ thường quay trở về nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng bởi suy nghĩ rằng, đất đai đó là của ông bà, tổ tiên chồng để lại nên phần đất này thuộc về người chồng.

 

Không chỉ ở nông thôn, ngay ở các Thành phố lớn, nhiều phụ nữ cũng đã phải rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, dù đã có nhiều công sức đóng góp trong suốt hàng chục năm sinh sống ở nhà chồng, chỉ bởi họ không có tên trong “sổ đỏ”. Có chị mang theo con và chịu một cuộc sống vất vả khó khăn, ngược lại, có phụ nữ đã phải đau đớn mất quyền nuôi con khi không có nhà ở ổn định.

 

Câu chuyện “sổ đỏ hai tên” là một minh chứng cho thấy, con đường để đi đến sự bình đẳng thực sự đối với phụ nữ vẫn còn một khoảng cách khá xa từ luật pháp đến thực tế.

Bài tiếp: "Sổ đỏ" hai tên và những câu chuyện buồn


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc