"Chỉ một sai sót đã đánh giá phi công kém thì không công bằng"

06:41, 28/12/2014
|

(VnMedia) - Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, phi công thường có rất nhiều kinh nghiệm bay, hàng nghìn giờ bay tích lũy. Do đó, chỉ một sai sót mà đã đánh giá phi công yếu kém thì không công bằng...

>> Hú vía vì máy bay Vietnam Airlines ‘nhầm’ không tặc
>> Cơ trưởng VNA đã bấm nhầm nút không tặc
>> Máy bay Vietnam Airlines "rơi tự do" 7.000 mét!

Xung quanh sự cố chuyến bay số hiệu VN1266 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ TPHCM - Vinh phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài, ngày 27/12, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Sau sự cố máy bay của VietNam Airlines từ TPHCM – Vinh phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cục Hàng không đã thành lập tổ điều tra về sự việc trên. Vậy, đến nay đã có kết luận điều tra chưa, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam : Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự cố liên quan đến chuyến bay của VietNam Airlines đổi hướng và hạ cánh khẩn nguy tại sân bay Nội Bài.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã đọc dữ liệu hộp đen, thông số dữ liệu của chuyến bay. Ngoài ra, các đơn vị kỹ thuật của Vietnam Airlines cũng đã thử bơm áp trên mặt đất rồi lắp lại toàn bộ hệ thống kỹ thuật, kể cả hộp đen để bay kiểm tra.

Chúng tôi xác định đây là sự cố kỹ thuật, không có yếu tố khủng bố, phi công đã cho máy bay hạ độ cao, xin hạ cánh ở Nội Bài để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

- Có thông tin cho rằng phi công đã nhầm mã code, từ mã khẩn nguy sang mã “khủng bố”?

Việc thao tác sai trong tình huống máy bay đột ngột giảm áp là có thể xảy ra. Phi công cho rằng, mình không cố ý đặt sai lệnh code nhưng trên hệ thống đã ghi lại việc đặt nhầm mã “khủng bố” trong khoảng hơn 1 phút và đã kịp điều chỉnh lại.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tình huống phải xử lý khẩn cấp khi có cảnh báo về tụt áp. Cụ thể, trong tình huống tụt áp phải hạ mặt nạ dưỡng khí cho tổ lái hành khách. Đây là một giai đoạn hết sức khẩn cấp nên việc thao tác nhầm hoàn toàn có thể xảy ra.

  Ảnh minh họa

 Hành khách đi trong chuyến bay VN1266 chiều tối ngày 16/12.
Ảnh: Nguyễn Cảnh Hải

- Cục Hàng không đánh giá như thế nào về trình độ phi công và đã có biện pháp xử lý tổ bay trên như thế nào?

Chúng tôi chưa kết thúc điều tra nên chưa có kết quả xử lý cuối cùng đối với tổ bay.

Phi công thường đã có rất nhiều kinh nghiệm bay, hàng nghìn giờ bay tích lũy. Do đó, chỉ một sai sót mà đã đánh giá phi công yếu kém thì không công bằng, thiếu khách quan. Do đó, việc đánh giá trình độ của phi công cần phải phân tích, nghiên cứu cụ thể.

- Theo báo cáo của Cục Hàng không, năm 2014 xảy ra nhiều sự cố an ninh hàng không. Vậy, đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?

Những sự cố an ninh hàng không do lỗi của nhân viên hoặc của ngành là giảm, tuy nhiên số vụ vi phạm an ninh hàng không có vô ý hoặc cố ý của người tham gia giao thông hàng không lại tăng.

Tuy vây, nhiều sự cố cũng do lỗi của ngành hàng không. Cụ thể, những vi phạm vô ý thì chứng tỏ việc tuyên truyền, phổ biến cũng chưa được hiệu quả. Gia tăng một số vi phạm có tính chất cố ý cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc như: trộm cắp, sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay...

- Trước tình trạng trên, thời gian tới Cục Hàng không sẽ có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

Đối với nhân lực, đây là một vấn đề đang được ngành hàng không đặc biệt quan tâm. Tại cuộc họp tổng kết năm 2014, Cục Hàng không đã có đánh giá chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả nguồn nhân lực quản lý nhà nước, nguồn nhân lực của các đơn vị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Có lẽ thị trường không đợi việc có đủ nhân lực hay là không, mà đó là trách nhiệm của các cấp quản lý. Đơn cử, chúng ta có thể nhìn vào kế hoạch nhận tàu bay mới của Vietnam Airlines hay Vietjet Air trong năm 2015 thì mới thấy những thách thức về nguồn nhân lực là rất lớn.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước tiên phải nói đến hệ thống đào tạo nhân lực. Ngành hàng không có những đặc thù riêng về hệ thống đào tạo, trước hết là đào tạo cơ bản, sau đó trong quá trình hoạt động phải đào tạo nâng cao, định kỳ, huấn luyện nâng cao, kiểm tra cấp giấy phép. Cho nên, Chúng ta phải nâng cao được hệ thống đào tạo, huấn luyện.

Nước ta chưa có hệ thống đào tạo phi công cơ bản đầy đủ như chưa có Trung tâm đào tạo phi công. Người dân phải đưa con em ra nước ngoài để đào tạo phi công. Người dân có tiền muốn cho con em đi học phi công trong nước cũng không có ai dạy, phải ra nước ngoài học.

Bên cạnh đó, điểm yếu của nguồn nhân lực cũng một phần do công tác kiểm tra, giám sát không chặt chẽ dẫn đến nhân viên hàng không trong quá trình làm nhiệm vụ lơ là đi. Vì vậy, Cục sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tăng cường tính kỷ luật và tìm ra lỗi hệ thống.
 
Tối 16/12, chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN1266, xuất phát lúc 17h12 từ TP HCM đi Vinh. Đến gần sân bay Vinh gặp trục trặc kỹ thuật, áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 FT (tương đươngkhoảng 11.000 m) xuống 13.000 FT (tương đương khoảng 4.000 m) và mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn. Tổ bay xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất.

Một nguồn tin khi đó cho rằng, cơ trưởng chuyến bay nhầm lẫn khi phát tín hiệu. Đáng lẽ phải báo khẩn nguy (mã 7700) thì cơ trưởng đã báo có "khủng bố" (mã 7500). Sau khi xảy ra vụ việc, Cục Hàng không đã lập tổ điều tra để làm rõ vụ việc này.


Vạn Xuân - (ghi)

Ý kiến bạn đọc