Yếu kém ngành Y: Ai phải chịu trách nhiệm?

08:51, 01/12/2014
|

 (VnMedia) - Yếu kém, thiếu sót của ngành Y không phải bây giờ mới xuất hiện và Bộ trưởng Tiến chắc chắn phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải mình đồng chỉ Tiến mà là một chuỗi nhiều nhiệm kỳ…
 
Sau gần 40 ngày làm việc với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã bế mạc vào chiều 28/11. Các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về Kỳ họp cùng báo giới, trong đó đặc biệt là ấn tượng về các vị Bộ trưởng.
 
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội):
Bộ Y tế: Sức ỳ lớn ; Bộ Giao thông: Đã minh bạch

Ảnh minh họa

Đại biểu Bùi Thị An


Nhìn chung, kỳ họp này đạt yêu cầu về sự linh hoạt trong điều hành, dành nhiều thời gian để đại biểu Quốc hội được tranh luận, chất vấn; thể hiện rõ sự dân chủ trong Nghị trường. Theo tôi cách làm này rất tốt và cần tiếp tục.
 
Có thể nói, tại kỳ họp này, phần báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tốt và sâu hơn lần trước. Những vấn đề cử tri, người dân bức xúc như nợ công, nợ xấu đều đã được nêu rõ trên diễn đàn Quốc hội, không theo chiều hướng thảo luận một chiều. Theo tôi đây là một điểm mới ở kỳ họp này.
 
Về các vị trưởng ngành, tôi hiểu rằng các đồng chí được giao nhiệm vụ đều hiểu được trách nhiệm của mình với dân, với nước. Bên cạnh sự vinh dự sẽ là trách nhiệm. Tôi nghĩ, nếu là những lãnh đạo có tầm, có tâm thì sẽ coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm là việc để rút kinh nghiệm, tích cực hơn trong công việc của mình để làm tốt hơn.
 
Bộ y tế là ngành làm dâu trăm họ nên rất khó, bởi mỗi người xét đoán một kiểu. Hai là liên quan đến con người. Với phạm vi lớn như thế, và trong quá trình đất nước ta khó khăn, dân yêu cầu ngày càng cao nên chưa đáp ứng được. Hơn nữa, trong ngành Y có rất nhiều bác sỹ, dược sỹ tận tâm với người bệnh, nhưng vẫn có những con sâu và nằm rải rác trong hệ thống nhiều năm nay rồi nên để ấn tượng không tốt cho người dân. Mặc dù bộ Y tế đã có những chỉ thị, quy định rất tích cực nhưng mà sức ì rất lớn nên chưa có sự thay đổi ngay được, vì vậy, người dân không được hài lòng lắm.
 
Còn với đại biểu Quốc hội, là đại diện cho dân, tôi nghĩ đánh giá phải có sự chia sẻ công bằng. Tôi nghĩ rằng đồng chí Tiến cũng là người có năng lực chuyên môn và cố gắng. Đồng chí cũng lăn lộn, nhưng do phạm vi hoạt động rộng, lĩnh vực nhạy cảm… Ví như việc giải quyết quá tải bệnh viện, bản thân mình bộ Y tế làm sao giải quyết được? Đồng chí Tiến chỉ có thể làm được việc chấn chỉnh y đức của các bác sỹ, y tá, dược sỹ thôi.

Hơn nữa, cái yếu kém thiếu sót không phải bây giờ mới xuất hiện. Yếu kém có không? có, và đồng chí Tiến chắc chắn phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải mình đồng chỉ Tiến mà là cả một chuỗi nhiều nhiệm kỳ.
 
Để có được một kết quả khả thi thì lãnh đạo bộ Y tế phải chung sức vào. Lãnh đạo ở đây là đội ngũ quản lý trong Bộ như Thứ trưởng, các Vụ trưởng hợp nhau lại để cùng vực lên. Cá nhân một người rất quan trọng nhưng để thành công được, phải có tập thể hợp nhau lại để bàn giải pháp, cách đi thì sẽ khắc phục được.
 
Tôi  nghĩ, nếu cố gắng thì sẽ có được phiếu bầu cao hơn kỳ này và tôi tin là đồng chí Tiến cũng đang rất cố gắng.
 
Còn với Bộ Giao thông, tôi nghĩ đồng chí Thăng rất nỗ lực, cố gắng, rất trách nhiệm với công việc. Ngày hôm sau lại có phần hơn ngày hôm trước và đồng chí thể hiện theo phong cách cụ thể, chi tiết, mang tính chất minh bạch. Tôi cho cái đó là tốt. Sự minh bạch của ngành giao thông sẽ là một thắng lợi.
 
Bộ Giao thông cũng có nhiều vấn đề bức xúc và chưa giải quyết được. Tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề này, thì cần phải có sự cố gắng của chính Bộ Giao thông. Tôi thấy những định hướng của họ là đúng rồi đấy, tuy nhiên, kết quả thế nào còn phải chờ thời gian tới. Định hướng trong công tác cán bộ, quy hoạch, giải quyết các vấn đề vốn đầu tư, suất đầu tư, bởi chống lãng phí đầu tư là quan trọng lắm.
 
Còn chất lượng của giao thông hàng không thì cũng phải giải quyết dần. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm rồi, cũng giống như ngành Y tế. Quan trọng của ngành giao thông là quy hoạch và lựa chọn, họ đã đang làm rồi. Dân quan tâm tới suất đầu tư, làm thế nào để chống lãng phí, tham nhũng trong giao thông. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Thăng cam kết trước Quốc hội và làm thế nào thì chúng tôi đang theo dõi.
 
Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An):
Các Tư lệnh ngành đều rất thẳng thắn

Ảnh minh họa

Đại biểu Phan Văn Quý


Đây là kỳ họp có sự sôi động ngay từ đầu, cao trào của sự sôi động này được thể hiện qua các buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế và chất vấn các thành viên Chính phủ. Các đại biểu và các Tư lệnh ngành đều rất thẳng thắn trong chất vấn và trả lời chất vấn mà ở các kỳ họp trước chưa có được không khí này.
 
Ngoài không khí trên nghị trường, không khí bên ngoài xã hội cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, lòng tin ở người dân đã được nâng lên, nhiều khúc mắc đối với doanh nghiệp đã được gợi mở, bắt đầu có những chuyển biến tích cực như đầu tư kinh doanh, liên kết mời đối tác vào khảo sát thị trường… Có thể nói, những dấu hiệu đó hứa hẹn cho thấy nền kinh tế sẽ có sự chuyển biến tốt.
 
Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua các luật về quân đội nhân dân, công an nhân dân cũng góp phần làm tăng niềm tin của người dân với xã hội và trên mặt trận an ninh.
 
Kỳ họp này đã thông qua được khá nhiều luật tạo nền tảng để luật vào cuộc sống. Tôi tin tưởng, tình hình kinh tế xã hội trong thời gian tới sẽ có những bước đi mạnh mẽ, nhưng cũng chắc chắn.
 
Nói thế bởi lâu nay có thể hình dung nền kinh tế của chúng ta được đặt trên một “nền đất yếu”, nhưng tin tưởng với quá trình tái cơ cấu đang bước đầu có kết quả khả quan, khi thành công trọn vẹn sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển ổn đinh, bền vững, góp phần tăng thu ngân sách ổn định.
 
Có một điểm đặc biệt đó là kỳ họp này, Quốc hội dành một buổi để chất vấn việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng. Phần lớn các vị Bộ trưởng đều đã thực hiện được lời hứa của mình, tuy còn những việc chưa làm được nhưng trên bình diện tổng thể không thể đổ lỗi hết cho các vị bộ trưởng.
 
Đại biểu Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh): Tiếc thời gian chất vấn ngắn
 
Kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên có những điều tiếc, đó là nếu phiên chất vấn có thời gian dài để Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hơn.
 
Thứ hai là trong chương trình làm luật của kỳ này có rất nhiều luật, thông qua 18 luật, và cho ý kiến 12 luật. Nhưng trong đó có một số luật tuy kết quả biểu quyết thông qua đều quá bán, song tỷ lệ không cao. Ví dụ như Luật dạy nghề được thông qua với 55% số Đại biểu Quốc hội tán thành. Như vậy chất lượng công tác làm luật còn một số nội dung còn những ý kiến khác nhau không được tranh luận làm rõ vấn đề, đó chính là điều đáng tiếc.
 
Thứ ba là có nhiều nội dung quan trọng, đáng lẽ ra phải có ưu tiên về những nội dung mà có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu nhưng do khống chế thời gian nên nhiều đại biểu đăng ký rồi nhưng không phát biểu được.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc