Doanh nghiệp nhỏ được vay tín chấp với mức lãi suất thấp

09:59, 06/10/2017
|
(VnMedia) - Theo ông Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay tín chấp tại các Ngân hàng Thương mại, điều mà trước đây rất hiếm thấy. Thậm chí, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, sáng kiến, gói tín dụng của Ngân hàng Thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%.
 
Các gói tín dụng Ngân hàng thương mại thấp hơn mặt bằng lãi suất chung 
 
Chia sẻ tại Hội thảo: "Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” vừa diễn ra, ông Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hai rủi ro lớn đó là việc nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, phát triển quy mô chính sản phẩm của mình mà không quan tâm nhiều tới quy luật phát triển vi mô.
 
Trước tình trạng này, ông Nghĩa cũng cho rằng, các doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV cần phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính. “Có như vậy tôi tin rằng Ngân hàng chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành cùng DNNVV”, ông Nghĩa nói.
 
Ông Nghĩa cũng thông tin thêm, dựa trên các khảo sát, hiện lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các Ngân hàng Thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được vay tín chấp tại các Ngân hàng thương mại, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với doanh nghiệp Nhà nước.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn xác định phát triển DNNVV là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng.
 
Hiện lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, sáng kiến, gói tín dụng của các Ngân hàng Thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%. Ảnh minh họa
Hiện lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, sáng kiến, gói tín dụng của các Ngân hàng Thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%. Ảnh minh họa
 
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV.
 
Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.
 
Ngoài ra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV.
 
Cần minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp
 
Theo bà Hoàng Thị Hồng - Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp siêu nhỏ, nhỏ, vừa.
 
Bà Hồng cho biết, DNNVV có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 200 người và đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí, tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và tổng doanh thu năm liền kề không quá 300 tỷ đồng. DNNVV được xác định theo lĩnh vưc: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ.
 
Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, các DNNVV gặp khó khăn trong tiếp cận vốn bởi thủ tục vay vốn phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo, thông tin, tài chính thiếu đầy đủ, kém minh bạch, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém.
 
Vì vậy, để hỗ trợ tài chính cho các DNNVV, bà Hồng kiến nghị, cần minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu về DNNVV để các tổ chức tín dụng có thể truy cập và sử (tổng tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm, tình trạng hoạt động... ).
 
Cùng với đó, phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV. Trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp với DNNVV như thủ tục, hồ sơ, lãi suất, tài sản bảo đảm. Tăng cường liên kết ngân hàng với doanh nghiệp, ngân hàng với các định chế tài chính hỗ trợ DNNVV, với các hiệp hội doanh nghiệp.
 
Cụ thể, thúc đẩy hình thành mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho DNNVV; Tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho DNNVV trên thị trường chứng khoán; Đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc