Bị thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mỹ áp sát sườn, Nga nổi giận

07:16, 26/06/2017
|

(VnMedia) - Moscow đã bày tỏ sự tức giận và tung cảnh báo nghiêm khắc trước việc lực lượng thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mỹ tiếp tục đóng quân tại Na-uy - nước láng giềng nằm sát nách Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Moscow đã cảnh báo Oslo rằng, việc Na-uy cho phép kéo dài hoạt động triển khai của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước này sẽ làm xấu đi mối quan hệ ngoại giao song phương giữa hai nước láng giềng Nga và Na-uy.

Trước đó, trong tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Na-uy Ine Eriksen Søreide đã thông báo, hoạt động huấn luyện của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ ở trên lãnh thổ Na-uy sẽ tiếp tục được kéo dài cho đến hết năm sau – kéo dài hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. "Chúng tôi vui mừng thông báo rằng... chúng tôi đã quyết định kéo dài sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ ở nước chúng tôi thêm một năm nữa", ông Ine Eriksen Søreide nói.

Đại sứ quán Nga tại Na-uy hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng cảnh báo trên trang Facebook của cơ quan này. Theo đó, Moscow cảnh báo, quyết định của Oslo có thể làm leo thang căng thẳng và dẫn đến tình hình bất ổn ở khu vực phía bắc.

"Chúng tôi xem bước đi đó là đối ngược lại hoàn toàn với chính sách của Na-uy trong việc không cho phép triển khai lực lượng nước ngoài tại các căn cứ của họ trong thời hòa bình”, tuyên bố của Nga cho biết đồng thời nói thêm rằng quyết định nói trên đã khiến Na-uy trở thành một đối tác hoàn toàn không thể dự đoán được.

"Chúng tôi coi đó như là một nhân tố trong hoạt động chuẩn bị được tăng cường về mặt quân sự do Mỹ chỉ đạo trong bối cảnh đang có cơn cuồng chống Nga trên mặt trận tuyên truyền", Đại sứ quán Nga tại Na-uy nhấn mạnh.

Khoảng 330 lính thủy đánh bộ tinh nhuệ của Mỹ đã đến Na-uy hồi tháng Một đầu năm nay để tham gia nhiệm vụ triển khai kéo dài 6 tháng. Đóng tại Vaernes, cách biên giới Nga khoảng 900 dặm (tương đương 1.450km) so với biên giới của Nga, đội quân của Mỹ đang tiến hành các hoạt động huấn luyện và đào tạo căn bản cho lực lượng của Na-uy cũng như các lực lượng đồng minh khác để chuẩn bị cho các chiến dịch ở môi trường bắc cực.

Mặc dù Na-uy tuyên bố, hoạt động triển khai của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của họ không có liên quan gì đến cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” nhưng Moscow không tin vào điều đó. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova đã chỉ trích gay gắt hoạt động trên, cảnh báo “mối quan hệ giữa Nga và Na-uy đang được thử thách”.

Trong khi đó, Tướng Niel E. Nelson – người đứng đầu Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi, cho biết trong một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ rằng, lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Na-uy đã cho thấy một mức độ hợp tác ở cấp cao với các đồng minh.

"Chúng ta càng huấn luyện cùng nhau thì liên minh của chúng ta ngày càng trở nên mạnh hơn”, ông Nelson đã nói như vậy.

Nga tin rằng những gì đang diễn ra ở Na-uy là một phần của chiến lược của Mỹ và NATO nhằm siết chặt vòng vây xung quanh Nga.

Mỹ và NATO tiếp tục đưa ra lý do về sự “gây hấn, xâm lược của Nga” làm cái cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Moscow chỉ trích kịch liệt các hoạt động quân sự của NATO ở xung quanh biên giới của họ, nói rằng diễn biến đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ việc đáng tiếc và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.

Mối quan hệ giữa Nga với NATO do Mỹ dẫn đầu  đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, Nga-uy, và một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc