Xử trí khi trẻ bị tiêu chảy mùa lạnh

14:19, 14/01/2013
|

(VnMedia) - Những ngày rét đậm gần đây, số trẻ đến viện do mắc tiêu chảy virus rota tăng cao. Các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác giữ vệ sinh cho con em mình để tránh nhiễm bệnh. Khi trẻ nhiễm bệnh cần bình tĩnh xử trí.
 
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số trẻ bị tiêu chảy đến khám tại khoa những ngày gần đây tăng gấp đôi so với bình thường, đa phần là do virus rota. Nhiều trẻ phải truyền dịch, thậm chí có bé bị sốc, trụy tim mạch vì mất nước nặng. Khi vào viện, tình trạng thường gặp nhất ở các bệnh nhi là nôn trớ nhiều sau khi ăn, nôn liên tục, vướng đờm trong cổ họng, bụng trướng hơi, sốt.
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, tiêu chảy do virus rota, hay còn gọi là tiêu chảy mùa đông là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày, ruột cấp do virus rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng. Bệnh thường kéo dài 3 - 7 ngày.
 
Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau vài ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn trẻ vừa bị tiêu chảy vừa nôn. Trẻ có thể ho, sốt nên một số cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.
 
Cũng theo ông Dũng, biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì thế, điều quan trọng trong việc điều trị bệnh là bù dịch và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
 
Để phòng bệnh các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine ngừa rota virus. Virus rota chủ yếu gây bệnh cho trẻ qua đường tiêu hóa (virus từ phân của người bệnh, bám vào bề mặt, các vật dụng trong gia đình, qua tay bé hoặc tay của người chăm sóc, rồi xâm nhập qua đường miệng) nên muốn phòng bệnh cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh bàn tay cho trẻ sạch sẽ.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc