Nước ép hoa quả: Không chỉ có lợi

12:06, 16/07/2013
|

(VnMedia)  - Hoa quả thường không phải là món ăn ưa thích của trẻ em. Nhiều cha mẹ chế biến thành món nước uống và nghĩ rằng nó giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ mà ít quan tâm đến việc dùng nó như thế nào để tốt cho sức khỏe nên đôi khi “lợi bất cập hại”.

 

Nước ép hoa quả là một loại nước được làm bằng cách ép lấy dịch từ một loại trái cây, sau đó có thể được uống nguyên chất hoặc pha thêm nước, đường, đá, một hay vài loại nước khác… để làm thành một thức uống giải khát ngon miệng và “vẫn thường được cho rằng” rất bổ dưỡng.

 

Với trẻ em, nước ép hoa quả được nhiều bà mẹ xem là một “thành phần” không thể thiếu trong khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ, thậm chí là món chính cho một bữa ăn phụ của trẻ. Tuy nhiên, thực tế, nước ép hoa quả có thể rất tốt với trẻ này nhưng lại nguy hại đối với những trẻ khác.

 Ảnh minh họa

 Nước ép hoa quả có thể tốt với trẻ này nhưng có thể gây hại cho những trẻ khác.


 

Lợi bất cập hại khi dùng nước ép hoa quả

 

Nước ép hoa quả: Do chỉ lấy phần nước nên giá trị dinh dưỡng của loại thức uống này không cao, năng lượng chủ yếu do lượng đường thêm vào, không còn chất xơ, chất đạm, chủ yếu là vitamin C và một ít chất khoáng.

 

Sinh tố: Các loại trái cây có phần “thịt” mềm thích hợp với món sinh tố. Trái cây gọt vỏ, bỏ hạt cho vào máy xay sinh tố, xay cùng với đường và sữa đặc có đường như sinh tố bơ, sinh tố đu đủ, sinh tố mãng cầu, sinh tố cà chua… Vì được chế biến từ phần “thịt” của trái cây và có thêm sữanên sinh tố có giá trị dinh dưỡng cao hơn nước ép, số lượng các loại vitamin vàmuối khoáng nhiều hơn và vẫn giữ được lượng chất xơ, chất đạm, chất béo… có trong trái cây.

 

Nước ép hoa quả hay sinh tố đều cung cấp các vitamin và muối khoáng, đặc biệt là vitamin C, giúp bé tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sinh tố có giá tri dinh dưỡng cao hơn vì cung cấp một lượng vitamin và muối khoáng hơn nhiều lần so với nước ép và một lượng đáng kể các chất đạm, chất béo, chất xơ…Đối với những trẻ không thích ăn rau và trái cây thì đây là món nước uống cần có trong thực đơn của trẻ.

 

Tuy nhiên, các loại nước trái cây cung cấp nhiều loại đường. Chất đường có khả năng ức chế tiết dịch vị làm cho bé chán ăn sẽ biếng ăn hoặc ăn ít trong bữa ăn chính, vì vậy chỉ cho bé uống sau khi đã ăn xong bữa ăn chính.  Vì vậy, không thể dùng nước ép hoa quả thay cho sữa, bánh flan, yaourt, chè đậu…để làm bữa ăn phụ cho các bé từ 2-5 tuổi được, nó chỉ là loại nước giải khát hỗ trợ thêm nguồn vitamin cho cơ thể mà thôi.

 

Sinh tố tuy có giá trị dinh dưỡng cao hơn nước ép trái cây, nhưng tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng không cân đối: Chất bột đường nhiều, ít chất đạm và chất béo. Nếu muốn làm bữa ăn phụ cho bé, bạn cần giảm lượng đường cho vào sinh tố và ăn kèm thêm các thực phẩm giàu chất đạm.


Không có loại thức ăn nào là hoàn hảo, các bậc cha mẹ nên  biết cách chế biến và dùng như thế nào để tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.

Lưu ý khi dùng nước ép hoa quả cho trẻ
 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đối với một số bệnh, uống nước ép hoa quả sẽ đặc biệt có hại. Vì vậy nếu trẻ đang bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy thì bạn tuyệt đối không uống các loại nước ép hoa quả chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu đất. Các loại quả này chứa rất nhiều chất hữu cơ làm tăng axit dạ dày, gây ra chứng ợ nóng và làm chứng viêm loét nặng thêm.


Đối với những trẻ bị tiểu đường cũng nên hạn chế uống nước nho vì nó chứa rất nhiều đường glucose và năng lượng. Uống quá nhiều nước nho cũng sẽ gây rắc rối nếu bạn đang bị hội chứng ruột mẫn cảm, dễ bị kích thích.

 

Thực tế, rất nhiều loại nước trái cây tươi có tác dụng nhuận tràng nên nếu bạn bị tiêu chảy thì nên pha loãng chúng với nước và uống từng chút một thôi. Để có thể hấp thụ tất cả các vitamin và khoáng chất trong nước ép hoa quả, bạn không nên cho trẻ uống nhiều cùng một lúc.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc