Số phận em Hào Anh sau khi thoát “địa ngục" trần gian

16:05, 15/02/2013
|

Cận Tết, hôm nào Hào Anh cũng dậy từ 5h sáng, ăn vội bát cơm nguội rồi đi bộ tới chỗ bốc vác thuê. Hai ngày cậu đã làm được 320.000 đồng. Hào Anh cao lớn, chăm làm đang mơ về tương lai với nghề sửa xe ở quê nhà.

 

 Ảnh minh họa

 Hào Anh làm bốc vác kiếm tiền mua sắm quần áo Tết. Ảnh: Duy Khang

 

Căn phòng trọ của gia đình Hào Anh nằm sâu trong hẻm chùa Ông Bổn, phường 8 (TP Cà Mau). Ba năm trước, khi cậu bé làm thuê thoát khỏi "địa ngục trần gian" - trại tôm Minh Đức ở xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm, cả gia đình cậu đã chuyển đến đây thuê trọ.

 

Bà Phạm Thị Thoa (41 tuổi, mẹ Hào Anh) chèo đò thuê với tiền công 75.000 đồng một ngày. Còn cha dượng của cậu làm thợ mộc, nhận lương sản phẩm hơn 100.000 đồng mỗi ngày nên chưa có điều kiện tích cóp mua đất cất nhà.

 

Bà Thoa cho hay, một năm trước, khi Hào Anh đang học lớp 5 Tiểu học Kim Đồng (xã Định Bình, TP Cà Mau), cậu trở nên ngang bướng. Có năng khiếu mỹ thuật, đoạt giải ở hội thi xếp lồng đèn cấp thành phố nhưng đến ngày thi giữa học kỳ, Hào Anh không vào lớp. Cô giáo gọi điện hỏi nơi nuôi dưỡng là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau mới biết em lấy xe đạp trốn khỏi trung tâm lúc rạng sáng để sang nhà trọ của mẹ gửi đồ rồi về quê thăm ông bà ngoại.

 

Thấy con muốn "thoát ly", người mẹ gửi đơn bảo lãnh cho cậu về nhà. Được trung tâm chấp thuận, Hào Anh nhận quyết định "hòa nhập cộng đồng", theo cha dượng học nghề mộc vài tháng rồi phụ bán cà phê cho gia đình một cán bộ ở huyện Cái Nước. Thu nhập không đủ chi tiêu, em quay về nhà trọ của mẹ để tìm việc mới.

 

Những ngày cận Tết, hôm nào Hào Anh cũng dậy từ 5h sáng, ăn vội bát cơm nguội từ chiều hôm trước rồi đi bộ từ phường 8 sang phường 1 (TP Cà Mau) để vác hàng cho một công ty lương thực. Những hôm hàng nhiều, tối mịt cậu mới về đến nhà trọ nhưng vẫn vui vì có thêm nhiều tiền công gửi mẹ.

 

"Em làm bốc vác hai ngày được chủ trả công 320.000 đồng. Tiếp tục làm đến Tết sẽ đủ tiền giúp mẹ mua quần áo mới cho hai đứa em", Hào Anh khoe.

 

 Ảnh minh họa

  Mẹ Hào Anh chèo đò thuê mỗi ngày được trả công 75.000 đồng


Khác hẳn với nhận định "Hào Anh quậy tưng bừng" mà nhiều người từng nghĩ về cậu bé ở tuổi mới lớn, Hào Anh giờ sắp thành một thanh niên "bẻ gãy sừng trâu" với suy nghĩ tích cực. Biết được một ngày không xa, số tiền hơn nửa tỷ đồng của các nhà hảo tâm hỗ trợ đang gửi ở ngân hàng sẽ thuộc về mình nhưng em không quan tâm nhiều mà bảo sẽ cố gắng làm công nhằm "thử sức với khó khăn" để sau này ra đời không bị vấp ngã.

 

Nhớ lại quãng thời gian bị vợ chồng ông chủ hành hạ, Hào Anh vẫn còn ám ảnh với những lần ông bà chủ dùng kềm kẹp môi, bẻ răng, đánh gãy xương mũi hay chế nước sôi, lấy bàn ủi điện nóng đặt lên người hoặc nướng sắt đỏ dí vào da thịt. Giờ đây, những đêm trời lạnh Hào Anh bị nhức khắp các khớp xương. Trời nắng nóng thì ù tai, đau đầu do ảnh hưởng di chứng từ những trận đòn như thời trung cổ.

 

"Cậu mợ ở trong tù chắc nhớ hai em nhiều lắm. Em không còn giận cậu mợ nữa vì cuộc sống ai mà không mắc sai lầm. Mong cậu mợ cải tạo tốt để sớm về với gia đình", Hào Anh nói về vợ chồng Giang - Thơm.

 

Nghĩ về tương lai, Hào Anh dự định đủ 18 tuổi sẽ dùng tiền của các nhà hảo tâm hỗ trợ mua vài công đất gần nhà ngoại ở thị trấn Cái Nước để nuôi tôm cá. Em sẽ dành một phần đất đắp nền cất nhà cho mẹ với cha dượng ở rồi đi học nghề sửa xe máy.

 

"Em biết có tiền mà không sử dụng đúng mục đích thì bao nhiêu cũng xài không đủ. Em sẽ học nghề sửa xe về nhà mở tiệm, tạo thu nhập ổn định cho bản thân nhằm đền đáp tấm lòng cao cả của bà con gần xa đã giúp đỡ", Hào Anh cho biết thêm.


(theo VNE)

Ý kiến bạn đọc