Bí thư Hà Nội: “Lấy phiếu tín nhiệm để xem xét sử dụng cán bộ”

15:58, 01/07/2013
|

(VnMedia)Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Hà Nội khóa XIV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch bố trí và sử dụng cán bộ”.

>>Tuần này, Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 lãnh đạo chủ chốt
 
Kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá

Theo báo cáo của UBND Hà Nội tại kỳ họp HĐND thành phố sáng nay (1/7), 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định đời sống nhân dân và kinh tế vĩ mô cả nước.

Quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng được tăng cường. Các công trình hạ tầng giao thông được đẩy mạnh tiến độ. Giao thông đô thị đã thoáng hơn, giảm thiểu ùn tắc trong nội đô có kết quả rõ nét, tai nạn giao thông giảm. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển....

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,67%; trong đó, dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,46% và nông nghiệp tăng 2,95%, thấp hơn kế hoạch cả năm (8,0-8,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,3%, thấp hơn mức 4,8% của 6 tháng đầu năm 2012; Đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách vẫn được đảm bảo, giải ngân ước đạt 42,3% kế hoạch;

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 5.069,2 triệu USD, tăng 0,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng và tăng ở tất cả các thành phần kinh tế với mức tăng đạt 4,8%; Thu ngân sách ước đạt 62.635,9 tỷ đồng, đạt 38,8% dự toán, chi ngân sách đạt 23.735,46 tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán năm.

Vốn huy động tăng 15,17% so với cùng kỳ và tăng 5,74% so với thời điểm 31/12/2012. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp vẫn hạn chế nên dư nợ cho vay thấp hơn huy động. Tổng dư nợ tăng 8,52% so với cùng kỳ và tăng 1,68% so với thời điểm 31/12/2012. Đáng chú ý, nợ xấu có xu hướng tăng, nguyên nhân một phần do dư nợ tín dụng đạt thấp. Tính đến thời điểm 30/4/2013, nợ xấu chiếm 6,7% tổng dư nợ, trong khi thời điểm tháng 12/2012, tỷ lệ này là 5,04%.

 Ảnh minh họa

 Hình ảnh khai mạc kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, những kết quả đạt được trên cho thấy, mặc dù kinh tế, xã hội của Thủ đô 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn chậm và còn một số hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên là: Tăng trưởng còn thấp so với kế hoạch năm. Tỷ lệ thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và so với dự toán; Việc làm, thu nhập và đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn...

Dự báo kinh tế thời gian tới tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn, với mục tiêu tăng trưởng năm 2013 từ 8-8,5%, trong những tháng còn lại, UBND thành phố sẽ tập trung vào một số khâu đột phá: Hỗ trợ thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Kiểm soát lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy mạnh đầu tư, thu ngân sách và giải ngân xây dựng cơ bản; Đẩy nhanh công tác quy hoạch; Quản lý trật tự, xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn mới; Thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và kế hoạch sản xuất vụ mùa 2013, vụ đông 2013-2014; Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.... để thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

Lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá sử dụng cán bộ
 
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố diễn ra vào thời điểm quan trọng, với nhiều nội dung lớn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến Luật Thủ đô và lấy phiếu tín nhiệm.
 
Đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong việc khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra, Bí thư Thành ủy cho rằng, những kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện kinh tế xã hội của thành phố còn nhiều chỉ tiêu đạt thấp, tại kỳ họp này, các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra của năm nay.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị lãnh đạo thành phố, các cấp, ngành, HĐND thành phố cần thảo luận và nhấn mạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và thu, chi ngân sách; khắc phục ngay những khâu còn yếu kém để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp quản lý tốt thu, chi ngân sách, chống nợ đọng thuế; làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng đô thị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm; đảm bảo an sinh xã hội...

Đề cập đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, đây là công việc quan trọng, việc xem xét, đánh giá các chức danh phải thận trọng, công tâm, khách quan, căn cứ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân của cán bộ.

Người được đánh giá phải coi đây là thử thách mà mỗi người phải trải qua, đồng thời là cơ hội để hiểu rõ hơn về uy tín và trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực được giao phụ trách.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch bố trí và sử dụng cán bộ.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc