Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

07:29, 12/08/2014
|

(VnMedia) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước tại Dự thảo Luật Đầu tư...

Ảnh minh họa

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước


 
Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Đầu tư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quá trình thảo luận cho thấy, có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định về việc Nhà nước bảo đảm không yêu cầu nhà đầu tư phải xuất khẩu, nội địa hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ… Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các điểm quy định tại khoản 2 Điều này (Điều 9 dự thảo Luật) là cụ thể hóa cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cũng là một trong những nội dung trong quá trình thực hiện đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP). Theo đó, Nhà nước Việt Nam không bắt buộc mà chỉ khuyến khích nhà đầu tư xuất khẩu thực hiện nội địa hóa, sử dụng nguyên liệu, hàng hóa trong nước, cân đối xuất, nhập khẩu, không phải đặt trụ sở chính tại địa điểm cụ thể.

Về Điều 16 quy định Ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong quá trình thảo luận có ý kiến cho rằng quy định tại Điều này là quá rộng, đề nghị cân nhắc quy định hợp lý hơn. Thậm chí có ý kiến đề nghị bỏ hẳn Điều này. Sau khi cân nhắc, Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu bỏ khoản 1 Điều này vì đã được quy định tại pháp luật về quản lý ngoại hối, đồng thời chỉnh lý khoản 2 theo hướng thu hẹp đối tượng được bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ và chuyển nội dung này thành khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật.
 
Cụ thể, khoản 1 Điều 16 của Dự thảo quy định doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật này theo mức cao nhất của pháp luật tương ứng; được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.
 
Trong khi đó, khoản 2 của Điều 16 quy định doanh nghiệp hưởng ưu đãi phải cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao hoặc các tiêu chí xác định doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
 
Đặc biệt, về lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Mục 1, Chương V dự thảo Luật trình Quốc hội), nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào dự án Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định danh mục cấm đầu tư và danh mục cấm kinh doanh vào một danh mục và quy định trong Luật đầu tư để tránh chồng chéo. Có ý kiến đề nghị Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành danh mục cấm đầu tư. Ý kiến khác đề nghị giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật.
                             
Về những ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện nay, danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định tại nhiều luật chuyên ngành. Ủy ban Kinh tế và Cơ quan soạn thảo yêu cầu các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
 
“Quy định về các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với các đối tượng khác như hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án hợp tác công - tư (PPP)…, do vậy, sau khi hoàn thiện, danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo Luật.” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phân tích.
 
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố Danh mục này sau khi báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến (Điều 6 và Điều 7 của dự thảo Luật).
 
Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
 
Về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy định tại Điều 42 dự thảo, một số ý kiến đề nghị chuẩn hóa thủ tục và nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Có ý kiến đề nghị bỏ yêu cầu thực hiện thủ tục này đối với dự án đầu tư trong nước thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và bổ sung yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các dự án sử dụng nguồn lực nhà nước, đất đai, tài nguyên.
 
Theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế, hiện nay pháp luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ các điều kiện đầu tư, kinh doanh và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, do vậy, việc yêu cầu nhà đầu tư trong nước phải có thêm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể tạo ra thủ tục kép, trùng lặp trong hoạt động quản lý nhà nước. Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước (Điều 25 của dự thảo Luật) nhằm góp phần tạo bước chuyển biến mới trong cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc