Vụ tịch thu bình trà từ thiện: Luật pháp cần tạo cơ hội cho sự tử tế!

12:57, 05/08/2015
|

(VnMedia) -  " Phản đối hay ủng hộ việc tịch thu bình trà từ thiện đều là những phản ứng tiêu cực như nhau. Điều quan trọng là luật pháp cần điều chỉnh để tạo cơ sở cho những giá trị tử tế được bảo vệ"... là quan điểm của nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) khi trao đổi với VnMedia về vụ dân phòng tịch thu bình trà đá từ thiện đang gây "bão" dư luận.

>>
Bình trà đá từ thiện cũng phải tuân thủ pháp luật

  Ảnh minh họa

  Phản đối hay ủng hộ việc tịch thu bình trà từ thiện đều là những phản ứng tiêu cực như nhau


- Những ngày vừa qua, vụ việc tịch thu bình nước từ thiện ở Hà Nội đã gây “bão” dư luận, với những ý kiến trái chiều. Quan điểm của anh về việc này như thế nào?
 
- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nếu nói về việc cái bình nước bị tịch thu thì tôi cho rằng hành động của những người dân phòng là máy móc, và vô cảm. Việc đặt bình nước từ thiện ngoài hè phố, nếu nhìn nhận là mất mỹ quan, là cản trở giao thông, thì những người chấp pháp thay vì tịch thu một cách thô bạo, gây phản cảm, thì có thể nhắc nhở, yêu cầu người dân cất đi. Hành động nhân danh sự chấp pháp để bắt lỗi, trừng phạt người dân, không riêng gì chuyện cái bình nước từ thiện, đều tạo nên hình ảnh xấu của đội ngũ chấp pháp, phản tác dụng giáo dục khi vô tình biến pháp luật trở thành kẻ thù của công chúng.

Thứ hai, là câu chuyện như chị đề cập là “gây bão” dư luận với những ý kiến trái chiều, thậm chí là gay gắt, mạt sát nhau xung quanh việc này. Đây là câu chuyện đang rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là với sự hỗ trợ của mạng xã hội. Câu chuyện này có hai mặt, tốt và xấu. Khía cạnh tốt là người dân đã hình thành thói quen bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội, một thói quen cần thiết để thúc đẩy phát triển. Khía cạnh xấu, và đáng buồn là sự thiếu trách nhiệm trong việc bày tỏ khi động cơ bày tỏ quan điểm chỉ nhằm thể hiện cái tôi của mình chứ mà không nhằm hàn gắn những nứt gãy trong hệ thống giá trị của xã hội.

Theo quan sát của tôi thì những ý kiến tranh luận sau câu chuyện cái bình nước bị tịch thu đi về hai hướng.

Một hướng cho rằng cần thượng tôn pháp luật, ủng hộ việc làm của dân phòng, phạt người để bình nước từ thiện ở hè phố. Quan điểm này có lý, nhưng tôi cho đây là một cái lý rất nông cạn bởi dẫu một cái gông để cùm cổ người ta thì nó vẫn có thể điều chỉnh để phù hợp với kích cỡ của những cái cổ. Luật pháp không đứng yên mà luôn cần điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ủng hộ một hành động thực thi pháp luật gây tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội rõ ràng là đang làm xấu đi hình ảnh của luật pháp, rõ ràng là hạ thấp pháp luật chứ không phải là thượng tôn pháp luật.

Hướng ngược lại, được khá nhiều người đồng tình thì lại tập trung vào sự khía cạnh bất công xã hội khi so sánh việc nhiều vi phạm lớn hơn thì không được lực lượng chấp pháp để mắt tới, trong khi cái bình nước chỉ là vi phạm nhỏ thì lại bị cưỡng chế thu hồi. Tôi cho rằng xu hướng này cũng tiêu cực không kém xu hướng trên. Bởi việc so sánh như thế vô tình đã cổ vũ cho việc chấp nhận sự sai trái như một điều đương nhiên.
 
-  
Đặt bình trà đá trên vỉa hè, dù là việc làm tốt, rất có tình nhưng xét về mặt pháp luật thì hành động này vẫn là vi phạm. Mới đây, trên chương trình Chuyển động 24h, trong mục “việc tử tế” có đăng hình ảnh một ông chủ quán hàng ngày tự mình cầm còi đứng ra phân làn đường vào giờ cao điểm. Nhưng nếu xét về mặt luật pháp, người đàn ông này cũng đã vi phạm bởi anh ấy không có quyền hạn được đứng ra điều khiển giao thông. Như vậy, đối với nhà chức trách, để việc này tiếp tục tồn tại theo kiểu tự phát cũng không ổn, nhưng chẳng lẽ lại ngăn chặn những việc tử tế? Theo anh, cần phải giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
 
- Thực ra, có một câu trả lời chung, rất căn bản cho những việc này. Theo tôi, luật pháp mà không thúc đẩy xã hội tốt đẹp, không tạo cơ hội cho sự hướng thiện, không ủng hộ những việc tử tế… thì luật pháp có vấn đề. Như vậy, để giải quyết những vấn đề cụ thể mà chị nêu trong câu hỏi thì luật pháp phải điều chỉnh về khuôn khổ để tạo cơ sở cho sự tử tế có thể tồn tại trong đó.
 
-  
Như vậy, anh cho rằng trong câu chuyện này thì cần phải thay đổi luật pháp để phù hợp với việc đặt bình trà từ thiện trên vỉa hè?
 
- Không chỉ riêng câu chuyện bình trà. Quan điểm của tôi là luật pháp cần điều chỉnh để tạo cơ sở cho những giá trị tử tế được bảo vệ. Ở đây, khi ủng hộ những người dân phòng thu giữ những bình nước thì chúng ta đang làm ngược lại, tức là điều chỉnh giá trị của một việc làm tử tế thành một hành vi phi pháp. Luật pháp, trước hết là công cụ để phục vụ con người. Bởi thế, một hệ thống pháp luật được cho là phù hợp, là tốt đối với cộng đồng này thì không có nghĩa là sẽ tốt với mọi cộng đồng khác. Một hệ thống luật pháp tốt, theo tôi, là một hệ thống phù hợp với mặt bằng dân trí, văn hóa, tập quán, lối sống, và các giá trị đạo đức của cộng đồng. Mà muốn biết nó có phù hợp hay không thì khi xây dựng luật pháp, mỗi một quy định đều cần có sự nghiên cứu đánh giá tác động một cách nghiêm túc.
 
Nguyên tắc là như thế, vậy ví dụ trong câu chuyện bình nước, hay chuyện ông chủ quán phân làn giao thông thì anh cho rằng cần có sự điều chỉnh như thế nào?
 

-  Chị có cho rằng chúng ta cần phải có những bình nước từ thiện trên hè phố, cần có những ông chủ quán phân làn giao thông hay không? Tôi thì cho rằng lý tưởng nhất là chúng ta không cần những điều đó, cả những hiệp sĩ bắt cướp nữa. Tất nhiên, đó là lý tưởng. Còn xã hội của chúng ta có thực sự cần những việc tử tế kiểu đó hay không thì như tôi nói, chúng ta cần đánh giá, định lượng về sự cần thiết để điều chỉnh. Giả sử như những việc đó là cần thiết thì tôi cho rằng sẽ cần điều chỉnh. Ví dụ:
 
Nếu các đô thị của chúng ta cần phải có những bình nước từ thiện, vậy thì hãy quy hoạch những vị trí thích hợp trên hè phố để người dân có thể làm từ thiện đúng quy định.
 
Nếu thành phố của chúng ta cần có những ông chủ quán phân làn giao thông thì hãy xác định những điểm nút giao thông cần tình nguyện viên.
 
Nếu lực lượng công an không thể đảm nhiệm được việc bắt cướp thì hãy thành lập các nhóm tình nguyện bắt cướp và trang bị cho họ hành lang pháp lý để làm việc.
 
Đó là tôi nói trên cơ sở chúng ta định lượng được các nhu cầu xã hội về sự cần thiết đối với những việc “tử tế” trên. Và nếu định lượng được, thì hãy công khai nhu cầu đó.

 
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc