Mổ xẻ quy chuẩn Quốc phục Việt Nam

13:49, 22/12/2012
|

(VnMedia)Áo dài khăn đóng đang là trang phục được cân nhắc để trở thành quốc phục Việt Nam .

Hội thảo mang tên Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn đã được diễn ra ngày 21/12 vừa qua. Nhiều ý kiến đã được đưa ra để chọn một loại trang phục xứng tầm đại diện cho Việt Nam .

Việc lựa chọn quốc phục là một vấn đề khá nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội nên buổi hội thảo mới chỉ bắt đầu khởi động công việc ở mức độ thăm dò dư luận, thu thập thông tin để chuẩn bị xây dựng đề án. Nhiều ý kiến cho rằng, áo dài lâu nay đã là một biểu tượng đại diện cho các giá trị văn hóa Việt và nhìn từ nhiều góc độ, áo dài xứng đáng được tôn vinh là Quốc phục.

Theo các chuyên gia và các nhà quản lý, chỉ áo dài thôi sẽ không hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, vì áo dài thường chỉ dành cho nữ giới, còn nam giới thì chọn được quốc phục cũng còn nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia khẳng định, cần có một mẫu “chuẩn” cho cả nam và nữ. Giữ nguyên các yếu tố mang tính cổ truyền hay vừa dân tộc, vừa hiện đại... cho đến nay là những câu hỏi mang đến nhiều tranh cãi, đồng thời là bài toán khó, dẫu vậy, không thể vì có những băn khoăn mà bỏ qua.

Theo GS Vũ Khiêu, tiêu chí lễ phục ở nam giới thì quần áo phải tạo được dáng mạnh mẽ, khỏe khoắn, ở phụ nữ thì tạo được dáng dịu dàng nhưng sắc sảo và tôn được vẻ đẹp của con gái Việt Nam, thể hiện sự trang trọng, lịch lãm của người phụ nữ Việt Nam. Nói chung lễ phục phải trang trọng, thể hiện được sắc thái của dân tộc vừa mang tính hiện đại – duyên dáng – lịch sự - giản dị và đẹp. Lễ phục cần trang nghiêm, không nên trang trí nặng nề, diêm dúa.

Ông Trần Khánh Chương cho rằng, cần phải làm rõ hơn tiêu chí thiết kế quốc phục Việt Nam . Trước hết, phải có hai loại trang phục quốc gia có tính chất sử dụng khác nhau, đó là quốc phục dành cho các vị lãnh đạo quốc gia sử dụng trong những ngày lễ lớn, trong ngoại giao. Bên cạnh đó là lễ phục dành cho những lễ hội truyền thống. Cả hai loại này đều phải thống nhất trong các chi tiết thiết kế, sử dụng chất liệu vải lụa, màu sắc, hoa văn… theo một quy định thống nhất. Theo ông, chọn lựa quốc phục, lễ phục còn mang tính biểu tượng của quốc gia. Vì vậy, phải đảm bảo thống nhất, lịch sự, sang trọng, nghiêm túc nhưng người sử dụng cũng phải thấy được sự thoải mái, công chúng thấy được sự gần gũi

Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo cũng cho thấy, quốc phục, lễ phục của một quốc gia đòi hỏi sự hợp tác nghiên cứu, thể nghiệm, tạo mẫu nghiêm cẩn của các chuyên gia về lịch sử trang phục với những nhà thiết kế đương thời trên tinh thần cầu thị và kiên trì trong nhiều năm, trong nhiều nghi lễ khác nhau từ đối ngoại đến đối nội, từ lễ hội tới hội nghị... Và muốn thành công, cần cơ quan chủ trì phải có quyết tâm thực hiện tới cùng một dự án bài bản, chứ đừng làm theo "nhiệm kỳ” của các nhà quản lý.


Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc