Dịch vụ Internet châu Âu: "Kém xa" Việt Nam

18:42, 09/08/2012
|

(VnMedia) - Trong một chuyến đi thăm và làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tại châu Âu, có 10 nhà báo đi cùng để kịp thời phản ánh các hoạt động của đoàn. Đó là phóng viên của một số đài và báo lớn như Nhân dân, Quân đội nhân dân, VTV1, VOV1, TTXVN, Người đại biểu nhân dân và Hãng phim thời sự-tài liệu Trung ương.

Ảnh minh họa

Ở khách sạn 3-4 sao nhưng không phải muốn dùng Internet lúc nào cũng được.


Một điều khiến cánh báo chí Việt Nam bất ngờ là dịch vụ Internet ở những nước đoàn đến thăm và làm việc rất hạn chế, không thuận tiện như ở Việt Nam. Hơn nữa, giá cước dịch vụ của các nước bạn đều cao hơn ta rất nhiều.

Nếu như ở Việt Nam, bạn có thể vào các cửa hàng dịch vụ tư nhân, với vài ba ngàn đồng là đã “lướt web” thoải mái cả giờ đồng hồ. Và hiện nay, ở tất cả các khách sạn lớn nhỏ, các nhà nghỉ tư nhân khắp trong nam, ngoài bắc; thậm chí nơi biên giới, hải đảo đều có dịch vụ Internet phục vụ qua hệ thống Wifi miễn phí hoặc qua USB 3G. Nhiều người có nhu cầu truy cập mạng một lúc cũng là điều đơn giản. Vậy mà “bên Tây”, bạn không có được điều kiện ưu việt đó.

Mặc dù là đoàn khách cấp cao, ở khách sạn 3-4 sao nhưng không phải bạn muốn dùng Internet lúc nào cũng được. Bay từ Việt Nam sang Hung-ga-ri, đoàn đại biểu của ta phải dừng chân ở 2 nước Pakixtan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngồi ở phòng chờ sân bay, nhiều người lấy laptop ra mở, cứ nghĩ là sẽ có Wifi. Nhưng không, ai cũng thấy tiếc khoảng thời gian dài ngồi rỗi mà không được truy cập mạng. Nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi máy bay của đoàn Việt Nam bị trục trặc, gần trăm người phải ngồi đợi ở nhà ga sân bay mất 7 giờ đồng hồ, chỉ có một chiếc tivi để giải trí.

Mấy ngày ở Ru-ma-ni, cả khách sạn chỉ bố trí có 2 máy tính để bàn đặt ở phòng lễ tân tầng 1. Ai có nhu cầu sử dụng Internet thì xếp hàng chờ đến lượt. Mấy anh em phóng viên chúng tôi viết xong bài, phải copy vào USB rồi xuống tầng 1 để gửi về nước. Trong lúc đang thao tác gửi bài qua email thì có mấy người nước ngoài đứng đợi. Họ tỏ ý sốt ruột và cứ đứng kèm ngay bên cạnh chờ đến lượt họ truy cập.
 
Hôm ở Bun-ga-ri, khi chúng tôi vào phòng nghỉ thì thấy có đầu dây Internet để trên bàn kèm theo mảnh giấy ghi Free internet. Đã thấy yên tâm nhưng khi cắm dây vào laptop thì chẳng có tín hiệu gì. Lại phải chạy xuống lễ tân đăng ký mới được họ mở mạng cho sử dụng. Mà không phải lúc nào cũng “thông đồng bén giọt”. Vẫn có trục trặc mất tín hiệu thường xuyên. Thế là chỉ còn cách xuống phòng lễ tân dùng máy dịch vụ công cộng mới có thể gửi email và gọi điện thoại về nước. Vì ở đó mới có nhân viên trực tiếp xử lý kịp thời.
 
Ở châu Âu, múi giờ lệch với Việt Nam 4-5 tiếng. hết giờ làm việc buổi chiều ở nước bạn thì đã là 9-10 giờ tối ở Việt Nam. Nếu không viết kịp tin, bài gửi về trước nửa đêm thì không phản ánh được hoạt động của đoàn trong số báo ra hôm sau. Các phóng viên quay phim và chụp ảnh lại càng bị thúc bách hơn về thời gian bởi đường truyền chậm. Trước tình trạng dịch vụ viễn thông như thế, anh em có hôm quên ăn, quên ngủ để lo hoàn thành công việc. 
         
Về giá cả thì mỗi người gửi một bài và gọi một cuộc điện thoại về tòa soạn là hết 10-15 USD. Ai cẩn thận gửi và gọi điện 2 lần thì nhân đôi. Vì thấy mạng của họ dấu hiệu trục trặc nên phóng viên nào cũng phải thận trọng gọi về nước xem tòa soạn mình đã nhận được đầy đủ tin, bài, ảnh chưa.
 
Tôi nhớ hôm ở Hung-ga-ri, ai cũng chỉ mang theo USD nhưng ở đó không nhận thanh toán tiền đô la mà chỉ lấy Euro hoặc tiền của nước sở tại. Muốn đổi tiền thì phải đến ngân hàng hoặc siêu thị. Nhưng khi xử lý xong tin bài thì đã vào buổi tối, ngân hàng và siêu thị đều đóng cửa. Sáng hôm sau lại phải ra sân bay sớm. Mấy anh em phóng viên cứ lúng túng về khoản tiền thanh toán dịch vụ cước viễn thông tại quầy lễ tân. Rất may có anh Nguyễn Đặng Liên (bố Việt Nam, mẹ Hung-ga-ri) sinh sống và làm việc tại Hung, đi phiên dịch cho đoàn đến trình bày với nhân viên khách sạn một lát thì họ thông cảm, không lấy tiền dịch vụ viễn thông của đoàn.
         
Những ngày cuối, chúng tôi còn qua miền bắc và miền nam nước Pháp cũng thế, muốn sử dụng internet đều phải qua lễ tân đăng ký mới vào được mạng để làm việc. Vì vậy, có đi ra nước ngoài mới thấy dịch vụ viễn thông ở Việt Nam ta phổ biến và thuận lợi nhiều lần. Bây giờ, các ông bà nông dân cũng biết dùng điện thoại quay Video clip rồi tải lên mạng một cách dễ dàng. Và qua điện thoại, ai cũng có thể truy cập Internet, trao đổi thông tin với nhau mà không cần những thủ tục đăng ký rườm rà. Đi công tác hay đi du lịch xa nhà, ở đâu chúng ta cũng dễ dàng liên lạc và làm việc với nhau qua mạng. 
         
Dịch vụ viễn thông của ta đi tắt, đón đầu, thật là ưu việt!


VnMedia - Đức Toàn

Ý kiến bạn đọc