Hơn 20 cảnh sát giao thông bị xử lý vi phạm

14:17, 02/07/2013
|

(VnMedia) - Trước luồng ý kiến cho rằng, sở dĩ các vụ tai nạn thời gian qua xảy ra nhiều do lực lượng thi hành công vụ dung túng, bao che; sáng 2/7, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt cho biết, đã xử lý hơn 20 trường hợp CSGT vi phạm quy trình.

>>Tai nạn dồn dập: Có lỗi cảnh sát giao thông?

Sáng 2/7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của đại biểu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.      

Tại buổi tọa đàm, đề cập đến nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông liên tiếp trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia cho biết, theo thống kê trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người điều khiển phương tiện lại cao như vậy. Ở đây có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước.

Lý giải nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua thường tập trung vào các tuyến đường miền Trung, ông Hiệp cho biết, sở dĩ tai nạn thường xảy ra ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị... ở đây có câu chuyện về cung đường. Khi xe chạy từ TPHCM hoặc Hà Nội đến những địa phương này, mà người ta gọi là khoảng trắng, khoảng trống, lái xe bắt đầu có cảm giác mệt mỏi. Theo quy định là lái xe không được liên tục 4h để đảm bảo an toàn.

Thứ hai là về mật độ phương tiện, những địa phương này có điều kiện về du lịch nên lưu lượng khách đến rất đông. Ví dụ như ở Nha Trang vừa rồi liên tiếp xảy ra tai nạn.

Thứ ba là một phần do yếu tố thời tiết. Ví dụ lúc trời nắng nóng cao điểm cũng gây ra mệt mỏi cho người lái xe. Tuy nhiên, còn có các lý do nữa tùy theo từng vụ tai nạn như về hạ tầng, do tuần tra kiểm soát…

Theo ông Hiệp, hiện Bộ Giao thông vận tải đã lập các đoàn thanh tra đi kiểm tra rất nhiều địa phương, tập trung vào kinh doanh vận tải, từ đó phát hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi, kể cả văn bản pháp luật đến tinh thần, trách nhiệm thi hành công vụ, nhất là các Sở Giao thông vận tải.

“Với sự quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước sẽ được khắc phục, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm”, ông Hiệp quả quyết.

 Ảnh minh họa

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách làm 6 người chết ngày 11/5 vừa qua.

Hơn 20 Cảnh sát giao thông bị kỷ luật

Trước luồng ý kiến cho rằng, sở dĩ thời gian qua tai nạn giao thông xảy ra nhiều là do cơ quan công quyền dung túng, bao che cho doanh nghiệp, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt cho biết, từ khi thực hiện Nghị định 36 năm 1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và Luật Giao thông đường bộ 2001, sửa đổi năm 2008. Vấn đề xử lý nguyên nhân gây tai nạn giao thông được sự quan tâm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Là lực lượng nòng cốt trong việc này, lực lượng cảnh sát đã có nhiều nỗ lực.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, CSGT đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tai nạn vẫn phổ biến, mà 80% nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện. Đây là số thực chúng tôi đã điều tra, phân tích.

Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và chúng tôi có đường dây nóng, của Cục và của các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Thời gian qua, chúng tôi xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật. Cũng trong 6 tháng, chúng tôi đã lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền  cho cảnh sát”, ông Hà cho biết.

Đề cập đến tình trạng hiện nay bất kỳ cung đường nào chạy qua địa phương nào cũng có cảnh sát giao thông lập chốt gác. Vậy việc bỏ lọt những xe quá tải, xe chạy quá tốc độ gây ra tai nạn thì cảnh sát giao thông địa phương đó đã bị xử lí kỉ luật bao giờ chưa?, ông Hà cho biết, thực hiện Luật GTĐB 2008 và Nghị định 27 của Chính phủ, lực lượng công an được huy động các lực lượng cảnh sát khác để bảo đảm giao thông.

Nhưng hiện nay, chúng ta có 37 triệu mô tô, xe gắn máy, trên dưới 2 triệu ô tô trên tất cả các cung đường từ liên xã, huyện lộ,… đều có phương tiện tham gia giao thông, nhưng với lực lượng quá mỏng, không thể quán xuyến được.

Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng các trạm kiểm soát có camera giám sát, qua đó tính tự giác của lái xe nâng lên một chút. Còn về tình trạng quá tải hiện nay khá phổ biến, xuất phát từ quản lý vận tải của các doanh nghiệp.

Vừa rồi Cục Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra trong 1 tháng thì thấy rằng sai phạm này rất phổ biến. Khi CSGT kiểm tra, người ta tránh, núp vào quán ăn, trạm xăng, khi lực lượng rút họ lại hoạt động. Rõ ràng ý thức của lái xe và doanh nghiệp chưa chung tay thực hiện theo pháp luật.

"Lực lượng cảnh sát giao thông đã làm quyết liệt còn thực tế còn có những trường hợp quá tải để lọt. Những trường hợp như vậy, đồng chí nào vi phạm quy trình kiểm soát, để lọt,… thì đồng chí đó chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Hà cho biết.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc