NATO tiếp tục đưa tàu chiến tới Biển Đen

16:36, 14/10/2014
|

(VnMedia) - Cuối tuần này, một tàu chiến của Pháp gia nhập nhóm tàu Mỹ đang đồn trú ở vùng lãnh hải thuộc Biển Đen, trong một nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở vùng biển này. Thông tin trên vừa được một nguồn tin quân sự tiết lộ với hãng tin RIA Novosti hôm qua (13/10).
  
“Tàu do thám Dupuy de Lome của Pháp sẽ gia nhập đội tàu Mỹ vào ngày 17/10 tới”, nguồn tin trên cho biết.
  
Trước đó, vào ngày 3/10, tàu chỉ huy USS Mount Whitney của Mỹ đã tiến vào Biển Đen để yểm trợ cho tàu khu trục USS Cole đã được triển khai đến khu vực từ tháng 9.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Hãng tin RIA Novosti cho biết, với cái cớ là đến Biển Đen để bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong khu vực, lực lượng NATO đang nghiên cứu thủy học và độ sâu của khu vực này.

Sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014, NATO đang tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực sát biên giới với Nga. Đặc biệt, khối này đã đưa một con số kỷ lục là 9 tàu quân sự tới Biển Đen trong tháng 7 và củng cố các chiến dịch tuần tra không phận của các quốc gia Baltic.

Tuy nhiên, theo Công ước Montreux, tàu chiến từ các quốc gia không giáp Biển Đen chỉ có thể ở trong vùng biển này tối đa 21 ngày. Ngoài ra, để được phép đi qua hai eo biển, tàu không được có trọng tải vượt 45.000 tấn.
 
Động thái tăng cường hiện diện quân sự trên của NATO ở các khu vực sát biên giới với Nga đã khiến Nga vô cùng quan ngại.

Để đối phó với mối đe dọa này, gần đây, Nga tuyên bố nước này đang có kế hoạch tăng cường cho hạm đội Biển Đen 80 tàu chiến.

Theo Tư lệnh hạm đội Biển Đen, Nga sẽ xây dựng một căn cứ hải quân thứ hai trên Biển Đen và tăng cường đội tàu với 80 tàu chiến để đối phó với mối đe dọa của sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở vùng biển quanh bán đảo Crimea.
 
Căn cứ hải quân mới sẽ được xây dựng ở thành phố Novorossiisk vào năm 2016 và đến năm 2020, hạm đội Biển Đen sẽ có 206 tàu theo lời Đô đốc Alexander Vitko nói với hãng thông tấn TASS.
  
Moscow coi Biển Đen là vị trí quan trọng chiến lược vì nó gần gũi với các khu vực xung đột tiềm năng như Ukraine, Georgia và Nga lo ngại sự can thiệp của phương Tây trong khu vực này. Biển Đen cũng là một bàn đạp để Hải quân Nga mở rộng vào biển Địa Trung Hải – một khu vực mà Nga đã tích cực hướng tới trong nhiều năm nhưng đã bị tan vỡ sau khi Liên Xô sụp đổ.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc