Nga - Mỹ bất ngờ "kề vai sát cánh" chống IS

14:21, 15/10/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (14/10), Mỹ và Nga cam kết sẽ "khôi phục lại" sự hợp tác trong các vấn đề an ninh toàn cầu, trong đó có việc chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), bất chấp việc hai cường quốc này vẫn còn bất đồng sâu sắc trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 
 
Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ ở Paris với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov , Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, cả hai bên cần thừa nhận rằng dù vẫn còn những bất đồng trong một số lĩnh vực nhưng là những cường quốc hàng đầu của thế giới, họ đều có “trọng trách lớn” trong việc đấu tranh với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, cũng như giải quyết chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Ảnh minh họa
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Kerry cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai nước đối với Nhà nước Hồi giáo, lực lượng đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria trong một chiến dịch tàn bạo.

"Cả hai chúng tôi nhận ra sự cần thiết phải tiêu diệt và đánh bại ISIL, làm suy giảm nỗ lực của họ và cuối cùng để đánh bại họ", ông Kerry nói.
 
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, Mỹ và Nga đã nhất trí "tăng cường hợp tác tình báo liên quan đến ISIL và thách thức chống khủng bố khác trong khu vực".
 
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có những phát biểu tích cực về việc cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, và ông cũng cho biết, công tác chia sẻ thông tin tình báo giữa hai bên sẽ sớm được khởi động.
 
Ngoại trưởng Nga cho biết: “Ông Kerry và tôi không đại diện cho các bên tham chiến. Hai nước đều có ‘vai trò đặc biệt’ trên thế giới. Chúng ta có thể hợp tác với nhau tốt hơn để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề lớn hơn. Mối quan tâm đặc biệt của chúng ta là cuộc chiến chống khủng bố hiện đang là mối đe dọa chính đối với toàn Trung Đông”.

Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng Nga có thể sẽ cung cấp vũ khí và trang thiết bị để giúp tăng cường năng lực của quân đội Iraq.

Hiện mối đe dọa khủng bố từ IS đang là mối quan tâm lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức này đã giành quyền kiểm soát một vùng đất rộng lớn tại Iraq và Syria và tuyên bố sẽ thành lập một Caliphate Hồi giáo (nhà nước Hồi giáo) trên vùng lãnh thổ chiếm được.
 
Tuy vậy, sự bất đồng quan điểm đối với cuộc khủng hoảng Ukraine giữa Nga và Mỹ là điều không thể phủ nhận.
 
Cũng tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Nga nỗ lực nhiều hơn để giúp thực hiện đầy đủ một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở phía đông của đất nước.
 
Thỏa thuận ngừng bắn đã bước vào những thời điểm căng thẳng kể từ khi nó có hiệu lực vào tháng trước. Ông Kerry cảnh báo rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại khu vực miền đông Ukraine, và thừa nhận đây là một "điểm bất đồng" trong hơn ba tiếng đồng hồ của cuộc hội đàm với người đồng cấp Lavrov.
 
Kiev và những người ủng hộ phương Tây cáo buộc Moscow ủng hộ cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine bằng việc cung cấp binh lính và vũ khí cho lực lượng này. Tuy nhiên, Nga đã một mực phủ nhận các cáo buộc trên, nói rằng họ có quyền bảo vệ lợi ích của đa số người nói tiếng Nga trong khu vực. 

Liên quân đẩy lùi bước tiến của IS ở Kobani

Trong một diễn biến liên quan khác, quân đội Mỹ hôm qua cho biết, các máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ đứng đầu đã thực hiện 21 cuộc oanh kích nhằm vào phiến quân IS gần Kobani trong 2 ngày 13-14/10, chặn được bước tiến của IS ở khu vực này.
 
Theo tuyên bố của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, trong một trong những cuộc oanh kích dữ dội nhất cho tới nay nhằm vào các phần tử thánh chiến IS đang bao vây Kobani, các máy bay liên quân đã “phá hủy” 2 nhà kho của IS, một tòa nhà, một xe tải, 2 phương tiện chuyên chở, 2 khu nhà, đồng thời làm hư hại một số mục tiêu khác. Ngoài ra, một cuộc không kích riêng rẽ ở miền Đông Syria đã phá hủy một nhà máy lọc dầu cỡ nhỏ. 
 
Tuyên bố nhấn mạnh, “có những dấu hiệu cho thấy các cuộc không kích đã làm chậm lại bước tiến của IS xung quanh Kobani. Tuy nhiên, tình hình an ninh trên thực địa vẫn liên tục thay đổi khi IS tìm cách chiếm lãnh thổ trong khi lực lượng người Kurd tiếp tục cố thủ”.
 
Các cuộc không kích được thực hiện nhằm “ngăn chặn” nỗ lực tăng viện và tiếp tế của IS cũng như ngăn cản nhóm này “tập trung sức mạnh tấn công” nhằm vào những khu vực do người Kurd kiểm soát ở Kobani.
 
Cùng với đó, ngày 14/10, các chỉ huy quân sự của hơn 20 nước đã nhóm họp tại Washington để thảo luận về cuộc chiến chống IS tự xưng ở Syria và Iraq.
 
Cuộc họp diễn ra tại căn cứ không quân Andrews nằm ở ngoại ô thủ đô Washington dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey. Đây là cuộc họp đầu tiên có sự tham gia của nhiều chỉ huy cấp cao của các nước đến vậy kể từ khi liên minh chống IS được thành lập hồi tháng 9.
 
Cuộc họp nhằm mục đích thảo luận “những biện pháp bổ sung mà liên minh có thể áp dụng để làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt” IS.
 
Các quan chức Mỹ dự kiến không có thông báo đáng chú ý nào được đưa ra sau hội nghị, nhưng khẳng định cuộc họp sẽ đảm bảo sự phối hợp tốt hơn giữa các thành viên liên minh. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc