Mỹ lập đội phản ứng nhanh sau khi y tá gốc Việt nhiễm Ebola

11:55, 15/10/2014
|

(VnMedia) - Mỹ vừa chính thức thành lập đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các trung tâm y tế, bệnh viện dập dịch khi phát hiện ra ca nhiễm virus Ebola mới. Quyết định này được phía Mỹ đưa ra chỉ ít ngày sau khi một nữ y tá gốc Việt bị phát hiện dương tính với virus chết người này.
 
Sẽ kiểm soát dịch trong vài giờ đồng hồ
 
Phát biểu trước báo giới, giám đốc trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh dịch (CDC) – bác sỹ Thomas Frieden cho biết, việc thành lập đội phản ứng nhanh là hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch Ebola đang diễn biến phức tạp và khó lường.

 Ảnh minh họa

 Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát dịch bệnh Ebola


“Bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ phát hiện virus Ebola, đội phản ứng nhanh sẽ ngay lập tức có mặt chỉ trong vài giờ để ngăn chặn lây nhiễm. Tôi chỉ tiếc là đội không được thành lập sớm để có mặt ngay khi nữ y tá gốc Việt chuẩn đoán nhiễm virus Ebola”, ông Thomas Frieden nói.
 
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu nhấn mạnh tới việc các nước cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống lại virus Ebola. Đối với nền y tế trong nước, ông Obama nhấn mạnh cần có thêm những biện pháp bảo vệ cho các nhân viên y tế mỗi khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nguồn lây virus.
 
Dự kiến trong ngày hôm nay (15/10), ông Obama sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Italia để thảo luận các biện pháp cần thiết và cụ thể để đối phó với dịch Ebola.
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dịch Ebola vẫn đang bùng phát dữ dội tại Tây Phi. WHO cũng cảnh báo nếu các nước không cùng hợp tác và triển khai các biện pháp cần thiết hỗ trợ Tây phi dịch sẽ còn hoành hành khủng khiếp hơn. Từ giờ tới tuần đầu tiên của tháng 12 sẽ ghi nhận thêm mỗi tuần từ 5.000 tới 10.000 ca nhiễm virus Ebola mới tại Tây Phi.
 
Cũng theo WHO, hiện đã có 4.447 người thiệt mạng vì loại virus này. Điều nguy hiểm là virus Ebola đang có chiều hướng lan rộng ra ngoài khu vực châu Phi. Ngoài ca nhiễm đầu tiên tại Tây Ban Nha, Mỹ cũng vừa ghi nhận ca nhiễm virus Ebola đầu tiên trên đất nước này.
 
WHO cũng cung cấp những biện pháp phòng chống và phát hiện virus Ebola để mọi người có thể nhận biết và phòng tránh. Virus Ebola không lây qua đường không khí mà chỉ lây nhiễm khi tiếp xúc với chất thải và máu của người bệnh. Bệnh nhân khi nhiễm Ebola sẽ bị sốt, tiêu chảy, xuất huyết và nôn mửa.
 
Y tá gốc Việt nhiễm virus Ebola vẫn khỏe mạnh!
 
Ít ngày sau khi được cách ly và chăm sóc đặc biệt, y tá người Mỹ gốc Việt tên Nina Phạm cho biết, sức khỏe của cô rất tốt và muốn gửi lời cảm ơn bạn bè, người thân cũng như các đồng nghiệp luôn ủng hộ và cầu nguyện cho mình.

 Ảnh minh họa

 Nina Phạm đã được truyền máu từ bác sỹ Kent Brantly


Nina Phạm là một trong 70 người có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Thomas Eric Duncan trở về từ tây Phi với virus Ebola nguy hiểm trong người. Hôm 8/10 vừa qua, ông Duncan đã qua đời dù được tận tình chăm sóc.
 
Ngay sau đó ít ngày, Nina Phạm cũng bị phát hiện nhiễm virus Ebola. Cô gái ngay lập tức được cách ly. Cô hiện đã được truyền máu của Kent Brantly, vị bác sỹ từng nhiễm virus Ebola tại Liberia nhưng đã khỏi bệnh và hiện đang được nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi.
 
Ban đầu, các quan chức Y tế Mỹ đã tìm cách giấu nhẹm thông tin về ca nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ. Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ đã vào cuộc và tìm được thông tin của cô gái này.
 
Ca nhiễm Ebola của Nina Phạm khiến giới chức y tế Mỹ hết sức lo lắng vì cô cũng như các bác sỹ, y tá khác đều mặc trang phục bảo hộ cần thiết mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân Duncan.
 
Phía trung tâm kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch (CDC) cho rằng, Nina Phạm đã sơ suất trong một công đoạn nào đó khi chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, đến lúc này CDV vẫn không thể lý giải sai sót của Nina Phạm.
 
Hiện tại, CDV đã tiến hành thẩm vấn và kiểm tra sức khỏe với 48 người từng có tiếp xúc với bệnh nhân Duncan. 28 người còn lại đang được giám sát chặt chẽ.
 
Đối với trường hợp của Nina Phạm, ông Thomas Frieden – giám đốc CDC cho biết sẽ hạn chế số người tiếp xúc với cô gái này để tránh nguy cơ lây nhiễm và cũng dễ dàng khoanh vùng nếu phát hiện dịch lan rộng. Hiện một người được giấu tên có tiếp xúc gần gũi với Nina Phạm cũng đã được đưa vào khu cách ly. Anh là nhân viên của một công ty dược Novartis.
 
Dư luận Mỹ hiện vẫn chỉ trích CDC mà cụ thể là ông Thomas Frieden đã có phản ứng quá chậm cũng như thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi phát hiện virus Ebola. CDC cũng không tiếp nhận ngay bệnh nhân Duncan khi ông này tìm kiếm sự giúp đỡ khi biết mắc Ebola.
 
Tuy nhiên, Nhà trắng lại lên tiếng ủng hộ CDC và tin tưởng ông Thomas Frieden đủ năng lực để điều hành tổ chức này cũng như cuộc chiến chống Ebola trên đất Mỹ.


Minh Quang - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc